TP.HCM sẽ tổ chức trưng bày và lấy ý kiến góp ý của các Sở ngành có liên quan, các hội nghề nghiệp và nhân dân thành phố đối với phương án quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (P.6, Q.3). Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận sau khi xem xét báo cáo, đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP liên quan đến thẩm định tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng.
Sự cố sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng - TP.HCM
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng được khởi công xây dựng từ năm 1982 và khánh thành vào năm 1985. Nhà thi đấu đã tổ chức nhiều sự kiện thể thao quan trọng trong nước và quốc tế, như: Cúp Thế giới bóng bàn, World Cup cầu lông, các giải bóng bàn Cây Vợt Vàng, bóng chuyển Grand Prix, Cúp bóng chuyền trẻ nam châu Á,...
Với một vị trí đặc biệt quan trọng nêu trên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP đề xuất quá trình thẩm định tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng là đặc biệt quan trọng để thống nhất phương án tối ưu trình UBND TP. Theo đó, cơ quan này đề xuất tổ chức trưng bày và lấy ý kiến góp ý của các Sở ngành có liên quan, các hội nghề nghiệp và nhân dân đối với phương án quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng.
Cho đến nay, Tổng Công ty Cổ phần đền bù giải tỏa và đơn vị tư vấn có phương án đạt giải (Công ty TNHH MTV tư vấn kiến trúc xây dựng hạ tầng Đá Vàng) được giao phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, Sở Văn hóa và Thể thao TP và UBND Q.3 tổ chức thực hiện lấy ý kiến góp ý và tổng hợp các ý kiến góp ý và hướng dẫn đơn vị tư vấn hoàn chỉnh phương án thiết kế để báo cáo thông qua Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch trước khi trình UBND TP xem xét.
Theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP được giao lập bảng so sánh về cơ cấu sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của phương án đạt giải (trước và sau khi hoàn chỉnh) so với nhiệm vụ thiết kế và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm hiện hữu Thành phố 930 ha đã được phê duyệt.
Tới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Tài chính TP rà soát việc điều chỉnh phương án thiết kế công trình có liên quan đến tổng mức đầu tư xây dựng công trình, để có ý kiến đề xuất cụ thể trình UBND TP xem xét quyết định.
Như Đại Đoàn Kết đã thông tin, ngày 2/9/2014 đã xảy ra sự cố sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng trong khi các tay vợt cầu lông đang tranh tài tại Giải cầu lông quốc tế Việt Nam Mở rộng 2014. Sau đó, giải này đã phải chuyển sang nhà thi đấu khác tại TP.HCM để đảm bảo các hoạt động của giải. Theo giải trình của Ban giám đốc Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng báo cáo Sở VH-TT&DL TP.HCM (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP) về sự cố sập trần, trong đó giải thích nguyên nhân chính của việc sập trần là cơ sở vật chất nhà thi đấu đã quá cũ kĩ do xây dựng đến nay đã gần 30 năm.
Sau sự cố nghiêm trọng, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt đã được giao thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), với tổng vốn đầu tư khoảng 1.568 tỉ đồng. Dự kiến, dự án sẽ triển khai vào quý 3/2015 và hoàn thành xây dựng sau 36 tháng.
Đến ngày 18/6, UBND TP.HCM đã chính thức có chỉ đạo liên quan đến thẩm định tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án xây mới Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng.
LÊ ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét