Đất nước mở cửa, công cuộc hội nhập, những cuộc thi kiến trúc mang tới những cơ hội cho chúng ta cọ xát với những bạn bè đồng nghiệp quốc tế. Tính cho tới nay tỷ lệ thắng cuộc vẫn nghiêng về phía bạn, điều đó ai cũng biết.
Nhưng tại sao chúng ta thua cuộc, những nguyên nhân nào gây ra những sự thất bại. Nếu chúng ta không tìm ra những nguyên nhân đó để quyết tâm khắc phục và sửa chữa, thì không bao giờ hy vọng trở thành người chiến thắng.
Cũng như để hiểu rõ một căn bệnh, bao giờ chúng ta cũng phải trở về cội nguồn của sự việc. Nguồn gốc phát triển tri thức của con người bắt đầu từ hệ thống giáo dục. Hơn bao giờ hết, vai trò của trường học sẽ là sự quyết định quan trọng cho sự phát triển tư duy của mỗi cá thể. Trường học là nơi tập cho con người biết lý luận để bảo vệ lý tưởng cá nhân để rồi sau đó đóng góp cho tập thể. Trường học là nền móng định hướng phát triển suy nghĩ tạo nên tri thức. Với sự quan trọng của trường học như vậy, cho nên nó đã trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của tất cả các nước tiên tiến. Nhưng sự quan trọng này cũng sẽ là một mối nguy hiểm, vì ở trường học nếu định hướng sai sẽ mang lại hậu quả khôn lường.
Bản vẽ thiết kế cho nhà hát “Un théâtre pour une ville de second ordre” năm 1885 của KTS Frédéric de Morsier (người Thuỵ Sĩ) khi ông còn là sinh viên của trường cao đẳng Mỹ thuật quốc gia Pháp. Thiết kế kiến trúc cổ điển thế kỷ 19 luôn tìm đến sự đối xứng và đứng biệt lập trong đô thị. Các kiến trúc sư chỉ tập trung vào hình thức của một công trình riêng lẻ.
Thi tuyển kiến trúc
Để nói tới trường kiến trúc, đầu tiên phải nói tới việc thi tuyển. Muốn thi đỗ vào các trường kiến trúc nước ta thì môn vẽ được coi như môn quyết định. Nó trở thành tiền đề quá rõ ràng cho những học sinh muốn học ngành này. Ai vẽ dở thì không bao giờ hy vọng đặt chân tới nơi đây. Và một điều rất hiển nhiên khi đặt câu hỏi “tại sao chọn ngành kiến trúc?” cho các sinh viên đang theo học, thì chắc chắn câu trả lời sẽ là “chọn ngành kiến trúc bởi vì thấy mình vẽ đẹp”.
Đây có lẽ là sự sai lầm lớn nhất cho ngành kiến trúc của nước ta hàng chục năm nay. Kiến trúc là một trong những ngành học phải có được sự tư duy cao nhất. Chúng ta không thể lấy vẻ đẹp của hình vẽ là mức thang giá trị khi chọn lựa một sinh viên kiến trúc. Có biết bao nhiêu học sinh yêu thích ngành này nhưng có lẽ chỉ vì mặc cảm vẽ không được đẹp nên đành phải từ bỏ giấc mơ. Và cũng rất nhiều người khác có thể vẽ đẹp nhưng tư duy lại không có gì sâu sắc cả. Không thể coi kiến trúc sư là những người thợ vẽ! Chỉ cần lấy một ví dụ nhỏ, Le Corbusier là kiến trúc sư vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, nhưng những hình vẽ của ông không hề đẹp tí nào. Chúng chỉ vừa đủ truyền tải ý tưởng của người thiết kế.
Ở châu Âu, muốn học kiến trúc không phải thi vẽ. Ví dụ như ở Thuỵ Sĩ, các học sinh khi trúng tuyển vào các ngành học tự nhiên (khối A) được tự do lựa chọn để trở thành kỹ sư hay kiến trúc sư như mình mong muốn. Tất nhiên học sinh khi chọn ngành kiến trúc là những người đã có những “cảm nhận” thiên hướng về nghệ thuật. Và cho tới thời điểm vào trường, họ có thể hoàn toàn không biết vẽ. Cũng phải nói thêm rằng ở Thuỵ Sĩ thi đỗ vào trường đại học đã là một chuyện khó, nhưng để tồn tại được cho đến khi tốt nghiệp còn khó hơn rất nhiều. Học sinh phải có được sự đam mê rất lớn cho ngành học của mình thì mới có đủ sức mạnh “tâm lý” vượt qua được khoảng thời gian nhiều thử thách nặng nề ở trường.
Kiến trúc là sự tổng hợp giao hoà của nghệ thuật và kỹ thuật, nên nhiều nước khi thành lập ngành này thường gắn nó hoặc vào trường mỹ thuật hoặc ở trường bách khoa. Ngành học kiến trúc ở nước ta bắt đầu được hình thành tại trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1927 do người Pháp sáng lập nên. Cũng dễ hiểu vì họ rập khuôn theo mô hình giảng dạy tại Pháp lúc bấy giờ với khuynh hướng kiến trúc là một trong những ngành nghệ thuật cơ bản cùng với hội họa và điêu khắc. Trường cao đẳng Mỹ thuật quốc gia (École nationale supérieure des Beaux-Arts) của Pháp đặt tại Paris đã nổi tiếng khắp thế giới một phần cũng bởi sự đóng góp của khoa kiến trúc trước kia ở đây. Hệ thống giảng dạy ở khoa này trở thành mô hình lý tưởng ở thế kỷ 19 và được người Mỹ rất sùng bái nên đã du nhập sang nước này vào năm 1860. Khi kiến trúc được coi như một ngành nghệ thuật thì việc thi vẽ vào trường là một điều gì đó rất tự nhiên. Đây cũng là một thể thức thi cử rất đặc trưng của nước Pháp và được giữ trong một thời gian dài.
Bài tập vẽ trên lớp học của KTS Frédéric de Morsier. Kỹ thuật vẽ sử dụng bút chì và dựa theo mô hình bằng thạch cao. Các hoạ tiết trang trí là một trong những mối quan tâm chính của các kiến trúc sư theo trường phái kiến trúc cổ điển thế kỷ 19.
Vào năm 1968 đã có một cuộc cải cách lớn cho ngành giáo dục kiến trúc tại Pháp. Kiến trúc tách khỏi mỹ thuật và thành lập hệ thống trường riêng rẽ. Từ đó cuộc thi vẽ vào trường không còn tồn tại. Sự thay đổi này là lý do chính đáng vì giáo dục kiến trúc theo kiểu mỹ thuật (Beaux-Arts) rất phù hợp cho kiến trúc cổ điển ở thế kỷ 19, nhưng mô hình này không thể tiếp tục cho sự phát triển rất nhanh và đa dạng của kiến trúc ở thế kỷ 20.
Với kiến trúc cổ điển ở thế kỷ 19, công trình được tập trung chủ yếu vào hình thức, cho một vật thể riêng biệt. Nhưng ngày nay kiến trúc nói tới văn hoá toàn cầu, chịu ảnh hưởng trực tiếp của xã hội thay đổi từng ngày, phải giải được bài toán nan giải của đô thị và sự thay đổi nhiệt độ của trái đất. Nó ngày càng phụ thuộc rất lớn trong nước cờ chính trị và bài toán kinh tế của từng quốc gia. Hơn nữa, người kiến trúc sư còn phải trau dồi cho bản thân những kiến thức bổ trợ từ nhiều ngành nghệ thuật, kỹ thuật cũng như design. Chưa kể còn phải am hiểu về triết học và tâm lý học. Chưa bao giờ kiến trúc trở nên phức tạp và đa dạng như vậy. Hình thái của một công trình kiến trúc nhiều khi chỉ là “hệ quả” đến từ những yếu tố đó. Học sinh muốn học kiến trúc là phải hiểu sâu sắc những điều đó chứ không chỉ hài lòng thấy mình vẽ đẹp là có thể học được ngành này. Hơn nữa, ngày nay với sự trợ giúp của máy tính thì vấn đề vẽ trở nên đơn giản hơn nhiều, nó trở thành một thứ rất phụ.
Văn hoá kiến trúc
Sau các cuộc thi kiến trúc, các kiến trúc sư nước ta thường đưa ra chung một lời nhận xét về các đồ án của các bạn đồng nghiệp quốc tế. Đó là tính sâu sắc trong tư tưởng thiết kế. Vậy tính sâu sắc đó đến từ đâu?
Kiến trúc sư giỏi là người có được trong mình một nền “văn hoá kiến trúc”. Và cái nền “văn hoá kiến trúc” đó cũng bắt đầu đến từ trường học bởi hai môn lịch sử kiến trúc và lý thuyết kiến trúc. Con người sống không thể quên đi lịch sử. Lịch sử là một tố chất của tinh thần, giúp con người tiến xa hơn trong công cuộc phát triển tri thức. Nó là niềm tự hào mang tới cho con người lòng tin yêu về nguồn cội của mình. Nó là một trong những yếu tố chính tạo ra văn hoá. Nhiều trường kiến trúc ở châu Âu thấy được sự quan trọng của hai môn học này nên đã thành lập hẳn một khoa riêng cho chúng. Và đây là hai môn học luôn thu hút đông đảo sinh viên nhất. Nhiều khi còn có những sinh viên ở trường khác đến tham dự để nâng cao hiểu biết văn hoá của mình. Khi đã tạo được trong mình cái nền “văn hoá kiến trúc” rồi, người kiến trúc sư có thể làm việc tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Mặt tiền công trình “Centre de Compétences DYM” (Thuỵ Sĩ, 2007) được tổ hợp bởi một loạt các tấm bêtông đục lỗ. Mỗi phần tử mặt tiền được thiết kế như một đồ vật design. Sự áp dụng đồ vật design trên tỷ lệ lớn của kiến trúc.
Nhưng một điều rất trớ trêu là ở Việt Nam, sinh viên kiến trúc luôn muốn lảng tránh hai môn học này, đặc biệt là môn lịch sử kiến trúc. Điều này đến từ thể thức thi cử, học sinh khi biết mình thi vào khối nào thì chỉ tập trung học những môn thi vào khối đó. Vì vậy môn lịch sử đã không được trân trọng bởi những sinh viên thi khối A ngay từ ở trường trung học. Điều đó đã trở thành một thói quen rất tai hại ảnh hưởng trực tiếp khi học lên đại học. Hiện nay các sinh viên mới ra trường có bao nhiêu người thuộc lịch sử kiến trúc Việt Nam, chưa cần nói đến lịch sử kiến trúc thế giới? Nếu chúng ta còn chưa biết được chúng ta là ai thì không bao giờ hy vọng nói tới hai chữ “truyền thống”.
Nhưng cũng phải nhìn nhận sự việc theo những khía cạnh khác. Khi học sinh có thói quen xấu này nhưng nếu môn học thực sự hấp dẫn thì vẫn có thể lôi kéo được đông đảo sinh viên. Do đó vai trò của người thầy giáo rất quan trọng trong những trường hợp như vậy. Thầy giáo có thể giỏi, nhưng cách truyền đạt của họ tới sinh viên có hay không. Những tài liệu hướng dẫn có rõ ràng và còn thực tế không. Những hệ tư tưởng mà thầy giảng trên lớp có đến từ những công trình nghiên cứu của thầy hay không. Những công trình quan trọng mà thầy chỉ dẫn đã bao giờ thầy đặt chân tới chưa. Thầy giáo của chúng ta có một “bia đỡ đạn” rất hiệu nghiệm khi trả lời những câu hỏi khó là với mức lương ít ỏi thì giảng dạy như thế cũng đã là cố gắng lắm rồi. Cuộc sống của chúng ta đã nảy sinh một thói quen, khi có vấn đề gì thì học sinh đổ tại thầy giáo, thầy giáo lại đổ tại xã hội. Vậy thì xã hội biết đổ cho ai? Chúng ta đã đánh đổi gần như tất cả để có một xã hội như thế ư?
Còn một khía cạnh quan trọng khác nữa để trau dồi “văn hoá kiến trúc”, đó là đọc sách. Sinh viên khi bước chân vào đại học là phải biết đây là nơi để nghiên cứu, nên phải có được tính tự lập rất lớn. Những bài giảng trên lớp của thầy chỉ mang tới 30% sự hiểu biết cho mình, ngoài ra phải tự đọc sách rất nhiều để tích luỹ kiến thức. Đây là vấn đề rất khó khăn cho đất nước chúng ta từ nhiều năm nay với sự thiếu thốn trầm trọng sách quý. Sách giảng dạy ở trường thường theo tiêu chuẩn của Liên Xô cũ, nhưng nước Nga đã từ lâu không còn là nước điển hình cho lĩnh vực giảng dạy nữa. Khi không có sách thì dẫn tới việc sinh viên không có thói quen đọc sách. Có nhiều người sau năm năm học không biết mặt mũi thư viện trường mình như thế nào. Nhiều trường của chúng ta ngày nay mở rộng và xây to, nhưng nếu không có một thư viện đầy đủ thì chất lượng học sinh cũng không thể vươn lên được.
Nội thất cửa hàng đồng hồ “Breguet” của Thuỵ Sĩ. Cách sử dụng vật liệu thiết kế đèn trần cũng được ứng dụng cho vật liệu tường ngăn đã tạo ra mối liên hệ giữa đồ vật design và phần tử kiến trúc.
Đồ án kiến trúc
Thiết kế đồ án kiến trúc là môn trọng tâm ở trường kiến trúc. Đây là môn học đòi hỏi khả năng tư duy rất lớn của người sinh viên. Ngoài những ứng dụng lý thuyết bổ trợ từ những môn học khác, người sinh viên phải có cách nhìn nhận sự việc theo kinh nghiệm sống của mình. Để có được một đồ án hay, người thiết kế phải có được cái nhìn tổng quát trên mọi lĩnh vực. Đây là môn học mà người sinh viên không thể trông chờ vào lời giải của thầy giáo. Họ chỉ là người dìu dắt và định hướng những ý tưởng mà sinh viên đề cập đạt tới những giá trị tốt nhất có thể.
Đồ án kiến trúc phải mang tính thực tiễn lớn, vì đây là bước chuyển tiếp từ lý thuyết sang thực hành. Lý thuyết dù có hay đến mấy nhưng không ứng dụng được thì cũng không mang lại kết quả tốt. Lý thuyết và thực hành phải luôn song hành và bổ trợ lẫn nhau. Cái nọ trở thành bài học của cái kia. Trong rất nhiều năm, những công trình của đồ án sinh viên kiến trúc nước ta thường được đặt trên một mảnh đất trống trơn, thiếu vắng hoàn toàn bộ mặt đô thị. Các sinh viên chỉ tập trung duy nhất vào hình thức của công trình. Đây là một trong những câu trả lời cho sự lộn xộn ở các đô thị nước ta với kiến trúc hoàn toàn mang tính cá nhân hoá.
Ngày nay môn học này ở những trường kiến trúc châu Âu đều được giao cho những kiến trúc sư đã thành công trên lĩnh vực xây dựng. Họ vừa làm công tác giảng dạy vừa làm chủ các văn phòng kiến trúc. Họ là những người hiểu biết thực tế một cách sát sao nhưng đồng thời cũng rất giỏi về lý thuyết. Một lớp học có thể được chia làm nhiều nhóm với mỗi nhóm là một kiến trúc sư hướng dẫn. Việc trao đổi kinh nghiệm qua lại giữa các hệ tư tưởng tạo ra một bầu không khí kích thích sự sáng tạo không ngừng.
Đồ án kiến trúc được đánh giá dựa trên “quá trình” sáng tác chứ không chỉ nhìn vào sự trình bày thể hiện ở lúc cuối. Đã là người thiết kế thì không ai không trải qua những đêm trắng mất ngủ, những bữa cơm ăn không ngon miệng. Chính sự dằn vặt giày vò đó trở thành tố chất quan trọng cấu thành nên tác phẩm. Chúng được minh chứng bởi hàng trăm hình vẽ phác thảo và mô hình nghiên cứu, những cái đó mới là quý giá để trình cho ban giám khảo, chứ không phải mấy hình vẽ 3D cuối cùng in trên bản vẽ.
Đồ án kiến trúc phải được bình luận rất nhiều. Một công trình kiến trúc là kết quả đóng góp của cả một tập thể. Chỉ trong khi bình luận thì đồ án mới khai thông và phát triển được ý tưởng. Người kiến trúc sư phải có được khả năng biện luận giỏi để bảo vệ những ý tưởng của mình. Vì vậy những năm tháng học ở trường là môi trường rất tốt để thực tập những điều đó. Rất tiếc là sinh viên Việt Nam chỉ đứng biện luận duy nhất một lần trong cuộc đời sinh viên của mình khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.
Đồ án kiến trúc phải có tính phân tích lớn. Đây là phần nghiên cứu có thể coi là quan trọng nhất trong “quá trình” sáng tác. Nếu phân tích không đầy đủ và chi tiết sẽ không thể dẫn đến một kết quả “đúng” được. Sự phân tích được nghiên cứu theo cả chiều sâu lẫn chiều rộng hướng vào đích mà người thiết kế muốn đi tới. Từ cấu trúc và lịch sử của khu vực nơi công trình sẽ được xây cho tới những công năng sử dụng trong công trình, cũng như mối liên quan văn hoá, xã hội với chủ đề đồ án.
Tác phẩm “Les Danseuses” (Milan - Ý, 2011) là tổ hợp của một loạt đèn lồng do văn phòng thiết kế. Sự dàn cảnh của đồ vật design trong không gian tạo ra một tác phẩm nghệ thuật xếp đặt. Mối liên hệ giữa thiết kế không gian sự kiện và đồ vật design.
Học kiến trúc không thể không nhắc tới kết cấu. Lịch sử của kiến trúc đã bắt đầu từ cách thành lập hệ kết cấu. Hơn bao giờ hết sinh viên kiến trúc phải tự tạo cho mình sự nhạy cảm về kết cấu, nên có thói quen tham khảo các chi tiết kỹ thuật cũng như những vật liệu mới. Sinh viên kiến trúc phải có được tính ham học hỏi và óc quan sát, từ những chi tiết cấu tạo nhỏ tới những cử chỉ cách sống của con người. Đặc biệt phải có được tinh thần phê bình một cách khách quan để đưa ra những chính kiến của riêng mình.
Những ngôi nhà ở tạm dành cho người bị động đất ở thành phố Kobe, Nhật Bản năm 1995 được thiết kế bởi KTS Shiregu Ban. KTS Shiregu Ban nổi tiếng với những công trình tại Nhật cũng như trên thế giới, nhưng ông vẫn tâm huyết nhất tới những ngôi nhà làm bằng ống các tông dành cho những nạn nhân của thiên tai hay những người dân tị nạn ở các nước có chiến tranh. Kiến trúc có chất lượng cũng dành cho những người yếu thế nhất.
Giảng viên kiến trúc
Nghề dạy học vẫn luôn là một nghề thiêng liêng nhất. Đã là người thầy phải có được trong mình đạo đức nghề nghiệp. Vì công việc của người thầy không chỉ truyền đạt lại những kinh nghiệm bản thân mà hình ảnh của họ còn là tấm gương ảnh hưởng đến tinh thần của nhiều thế hệ. Người thầy có thể mang đến cho sinh viên rất nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê nghề nghiệp. Cái này không chỉ phụ thuộc vào trình độ mà còn vào thái độ của người thầy.
Nước ta vẫn còn ảnh hưởng nhiều bởi truyền thống Nho học. Ở trường, người thầy quyết định tất cả, học sinh chỉ có cách ngoan ngoãn nghe theo. Thực ra thầy giáo không nên nghĩ rằng họ đến trường là người duy nhất truyền bá kiến thức, theo thực tế thì cũng nhờ vào sinh viên mà thầy nhận lại được rất nhiều. Sự nhìn nhận cá nhân theo kinh nghiệm sống của từng người luôn là bài học cho những người khác, bất kể tuổi tác và trình độ. Chỉ khi có sự trao đổi kinh nghiệm qua lại được thuận ý theo cả hai chiều thì vấn đề mới được thông sâu, và điều quan trọng nhất là dẫn đến tính dân chủ. Sự việc khi được dân chủ hoá sẽ tránh được sự áp đặt tư tưởng cá nhân nhiều khi thái quá, đặc biệt dễ xảy ra trong môi trường sáng tạo.
Đồ án thiết kế của văn phòng Dreier-Frenzel được giải nhất năm 2010 cho một cụm khu nhà ở sinh thái tại thành phố Geneva (đang xây dựng). Để nói đến sinh thái, đồ án không sử dụng các trang thiết bị tối tân làm tiêu chí thứ nhất mà lấy mối quan hệ xã hội của con người làm trọng tâm của đồ án. Toàn bộ tầng một của cả khu vực được dành cho các không gian công cộng của cộng đồng. Ba công trình xây mới là sự hoà trộn giữa nhà ở và các dịch vụ thương mại, hoà trộn giữa người nhiều tuổi cùng thế hệ trẻ và hoà trộn giữa người có thu nhập thấp cũng như thu nhập cao.
Ngoài tính dân chủ theo tư tưởng, còn phải nói tới tính dân chủ trong cách đối xử. Ở nhiều trường đại học tại châu Âu ngày nay, cứ sau một học kỳ thì thầy giáo đánh giá trình độ của sinh viên bằng cách cho điểm, đấy là chuyện bình thường. Nhưng ngược lại sinh viên cũng đánh giá khả năng của thầy bằng cách trả lời một loạt câu hỏi mà nhà trường định ra. Tất cả đều dựa trên một tinh thần lành mạnh, không hằn thù cá nhân. Đây là ý tưởng rất hay để người thầy có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm trong phương pháp giảng dạy của mình, tránh những trường hợp như chỉ sử dụng một giáo án trong cả cuộc đời đi dạy học.
Giảng viên môn đồ án kiến trúc ở châu Âu là người luôn sát cánh và có trách nhiệm với sinh viên nhiều nhất. Như đã nói ở trên, họ là những người thông sâu lý thuyết và vững vàng trong thực tế. Những đồ án mà họ giao cho sinh viên luôn có tính thực tiễn lớn, phù hợp với sự phát triển của xã hội đang yêu cầu. Nhiều khi những đồ án đó còn đến từ những hợp đồng thật mà họ mang lại cho nhà trường. Đây là cơ hội rất tốt để sinh viên va chạm với xã hội bên ngoài và đặc biệt được chứng kiến một công trình từ những ngày đầu sơ khai thiết kế ý tưởng đến lúc xây dựng và hoàn thiện.
Đồ án kiến trúc được tổ chức trong môi trường mà chúng ta hay gọi là “xưởng” (Atelier). Đây được coi như một “công ty” nhỏ, giảng viên chính có thể được phụ tá bởi một hoặc nhiều giảng viên phụ. Họ có được một số quyền hạn nhất định trong trường như tổ chức các cuộc hội thảo khi mời các chuyên gia đến trao đổi kinh nghiệm với chủ đề của đồ án. (Các chuyên gia này cũng thường được mời trong ban giám khảo chấm thi sau này). Thành lập các đề tài nghiên cứu với giảng viên phụ hay một nhóm sinh viên. Dìu dắt các sinh viên trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. Tổ chức các chương trình tham quan các công trình tiêu biểu... Họ trở thành linh hồn của cả một tập thể, những người luôn khơi dậy tinh thần sáng tạo trong trường.
Đất nước chúng ta mở cửa đúng vào thời đại của thông tin. Một biển trời thông tin tràn ngập. Nhưng khi nhiều thông tin quá sẽ dẫn tới bị loạn thông tin. Vậy ai sẽ là người có khả năng biết sàng lọc ra những thông tin tốt? Rồi đến vấn đề về mô hình giảng dạy, có hàng trăm mô hình hiện nay ở đủ các loại trường. Vậy phương pháp nào là tốt nhất cho người Việt Nam hiện tại? Đây vẫn luôn là câu hỏi khó trong ngành giáo dục. Để có được câu trả lời đúng hay không, nó phụ thuộc rất nhiều vào người hiệu trưởng và các trưởng khoa. Họ phải là những người có được tầm nhìn tinh tường, tìm ra được những lời giải phù hợp với trong nước mà vẫn thích ứng được với sự phát triển chung của toàn cầu trong tương lai.
Giáo dục là một đề tài phức tạp, đòi hỏi sự đóng góp của cả một tập thể. Cũng như để một cái cây phát triển tốt, chúng ta phải biết chăm bón nó từ gốc rễ trở đi. Giáo dục là nền tảng quan trọng quyết định sự đơm hoa kết trái của kiến thức. Người viết bài cũng như mọi kiến trúc sư bình thường khác cùng mong mỏi nền kiến trúc nước nhà một ngày nào đó sẽ sánh ngang hàng với các bạn bè đồng nghiệp quốc tế. Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, đất nước chúng ta vẫn còn cơ hội để làm nên những điều kỳ diệu. Chúng ta không nên bỏ lỡ những mảnh đất cuối cùng cho những công trình kiến trúc không có ý nghĩa.
Đồ án đoạt giải nhất cho bảo tàng Nghệ thuật quốc gia của đảo quốc Greenland và mặt tiền khu nhà “VM Houses” tại thành phố Copenhagen, được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc BIG. Đây là văn phòng kiến trúc trẻ của Đan Mạch đang có nhiều triển vọng ở châu Âu. Họ cho rằng kiến trúc từ trước đến nay luôn được chế ngự bởi hai thái cực trái ngược. Một bên theo những tư tưởng tiên phong, nhiều khi ngông cuồng xa rời thực tế. Còn bên kia là một loạt các nhà tư vấn của các công ty xây dựng chỉ muốn tạo nên những công trình thường gặp và buồn tẻ. Thay vì để chọn bên nọ hay bên kia, họ tác động vào giữa. Kiến trúc của họ có sự tìm kiếm giữa sự không tưởng và tính thực tế, dựa trên các tiêu chí về xã hội, kinh tế và sinh thái.
( Còn tiếp... )
KTS Vũ Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét