Từ một ý tưởng...
Sự kiện này đã được khởi động một cách rất tình cờ. Cách đây hơn 4 tháng, một nhóm kiến trúc sư đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhận thấy, bởi đặc thù nghề nghiệp của mình, các kiến trúc sư (KTS) Việt Nam hiện nay mới chỉ quen làm nghề chứ không quen giao lưu. Họ nảy ra ý định tập hợp lại với mong muốn chia sẻ quan điểm làm nghề, những công trình kiến trúc mình làm ra, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm làm việc thực tế trong hoạt động kiến trúc, kinh nghiệm làm việc với khách hàng... Tất cả những điều đó sẽ mang đến một trải nghiệm sát với thực tế hơn cho giới KTS, thúc đẩy sự giao lưu giữa các KTS có kinh nghiệm với những KTS trẻ mới làm nghề, hướng đến việc tăng cường kinh nghiệm làm nghề cho các KTS trẻ. Cái tên "Chúng tôi làm..." ra đời.
Triển lãm "Chúng tôi làm..." lần thứ nhất được tổ chức vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lấy hình ảnh Tổ chim, mang ẩn dụ từ việc loài chim cóp nhặt những vật liệu từ đủ nơi xây dựng những chiếc tổ đẹp đẽ và vô cùng độc đáo như một căn hộ của loài người. "Chúng tôi làm" lần một có thể nói đã thành công và tạo được tiếng vang nhất định trong giới. Sau khi triển lãm diễn ra, những người thực hiện cảm nhận được sức hấp dẫn và độ thu hút của nó với các KTS trẻ, đặc biệt là các sinh viên. Sức hút của nó đến từ chính mục tiêu tự thân của dự án, là trau dồi khả năng sáng tạo dành cho sinh viên, khả năng tập hợp những KTS quan trọng ở Việt Nam - những KTS nói được và làm được.
Triển lãm kiến trúc "Chúng tôi làm..." lần thứ hai diễn ra tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 25 đến 27-4 đã mở cửa tự do đón hàng trăm lượt khách chuyên ngành tham quan 16 mô hình kiến trúc và các tác phẩm nhiếp ảnh kiến trúc đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ban đầu, "Chúng tôi làm..." được dự tính diễn ra 1 lần/năm, và chỉ gói gọn trong nội bộ cộng đồng KTS, nhưng những người thực hiện nhanh chóng nhận ra rằng, nếu tiến hành theo cách này "Chúng tôi làm..." sẽ khó có khả năng phát triển lâu dài bởi tính chất cục bộ. Họ quyết định thay đổi. Thay vì việc đóng lại thì mở ra, thay vì cố định sẽ tiến hành liên tục, kêu gọi tất cả các văn phòng kiến trúc trên toàn quốc, bất kể văn phòng nào có công trình hay muốn chia sẻ, gửi gắm thì tìm đến với "Chúng tôi làm...". Lúc này, "Chúng tôi làm..." được xây dựng như một cộng đồng rất mở, ở đó các mô hình gửi về có thể được góp ý và hoàn thiện hoặc kết nối với những văn phòng KTS có công trình/giải pháp hay. "Việc trao đổi và chia sẻ này sẽ giúp có được nhiều công trình tốt hơn và ít những "bãi rác" hơn" - đại diện Ban tổ chức chia sẻ.
...tạo cách nghĩ mới
Như thế "Chúng tôi làm..." không còn là một mô hình "cứng" nữa. Chỉ cần đủ số lượng công trình hay được gửi về, ngay lập tức một triển lãm "Chúng tôi làm..." có thể được mở ra. Đại diện Ban tổ chức cho biết: "Quan điểm làm triển lãm này chúng tôi học hỏi từ kinh nghiệm của Xin-ga-po. Họ nâng cao dân trí thông qua các hoạt động triển lãm thực tế, còn các kênh online hay truyền thông báo chí thường độc giả chỉ đọc để biết có chứ khó có thể nhớ lâu. Hoạt động triển lãm mang lại trải nghiệm ở mức độ sâu hơn bởi khán giả được gặp gỡ các KTS và họ được nhìn tận mắt các mô hình kiến trúc".
Sự mới mẻ của lần tổ chức thứ hai đến từ mảng ảnh kiến trúc. Ảnh kiến trúc và công trình kiến trúc có sự tương quan lớn. Khi ở Việt Nam có một công trình kiến trúc chia sẻ trên tạp chí nước ngoài thì ảnh kiến trúc đóng một vai trò quan trọng. Tham gia triển lãm đợt này có những nhiếp ảnh gia nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Hi-rô-yu-ki Ô-ki, và những nhiếp ảnh gia Việt Nam cộng tác cho các tạp chí nước ngoài như Hoàng Lê, Lê Anh Đức, Nam Bùi, Quang Trần. "Chúng tôi làm..." sẽ kết nối hai cộng đồng đó lại với nhau để sau đó sẽ tạo thành sự tương tác: khi KTS có một công trình tốt, họ có thể kết nối với nhiếp ảnh gia để có một bộ ảnh tốt và mang hình ảnh đó đến với các tạp chí chuyên ngành.
"Chúng tôi làm..." đến từ một nhu cầu đơn giản: "được chia sẻ những gì mà chúng tôi đã làm được, đóng góp được cho hoạt động kiến trúc tại Việt Nam". Chúng tôi ở đây không chỉ là các kiến trúc sư, mà rộng hơn, đó còn là những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, những người kết nối, những sinh viên trẻ, những nhiếp ảnh gia chuyên chụp kiến trúc - những người mang nhiệm vụ chuyển tiếp sản phẩm kiến trúc tới cộng đồng, và có thể là cả những nhà đầu tư kiến trúc tương lai. Khả năng sáng tạo là vấn đề luôn được nói đến. Việc nhắc nhở về khả năng sáng tạo sẽ giúp sinh viên tránh được việc copy - paste từ các công trình. Chính vì vậy, việc lựa chọn triển lãm công trình nào rất quan trọng. Các công trình đưa ra phải thật sự có độ tâm huyết, độ cố gắng của KTS cho công trình đó. Đây là điều tiên quyết. Có rất nhiều công trình kiến trúc chỉ tồn tại trên thiết kế và trong tâm huyết của các KTS, nhưng việc họ đã sáng tạo nên nó đã là một cái gì đó rất đáng kể" - đại diện Ban tổ chức chia sẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét