Nhà Green Renovation của CTy Võ Trọng Nghĩa vừa đoạt giải Kiến trúc xanh của Mỹ. Ảnh: T.L
Thương hiệu quốc gia trong kiến trúc và thương hiệu của công ty đạt tầm quốc tế chính là tài sản quý để kiến trúc sư (KTS) Việt bước vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, tại sao nền kiến trúc Việt Nam chưa tạo được thương hiệu, dẫn đến “trắng tay” ngay cả trên sân nhà? Chúng tôi có cuộc trao đổi với KTS Võ Trọng Nghĩa.
Anh cho biết: “Sau một thời gian dài tìm hiểu, tôi thấy đó là do ta thiếu thương hiệu kiến trúc quốc gia. Giả dụ, thương hiệu của Pháp là 100 thì của VN là 0. Thương hiệu của công ty họ nếu chỉ đạt ở mức 5 hay 10 thì họ cũng đã có sẵn nền tảng giá trị thương hiệu kiến trúc mà nếu cộng vào vẫn được điểm rất cao, từ 105 - 110 điểm. Công ty Việt Nam nếu có thương hiệu là 50 thì cũng chỉ vẫn được 50 thôi. Chủ đầu tư sẽ chọn Cty có chỉ số thương hiệu cao hơn là chuyện đương nhiên”.
Từng giảng dạy về kiến trúc tại Singapore một thời gian, xin anh cho biết vì sao một đất nước có diện tích nhỏ như Singapore lại có một nền kiến trúc phát triển ngang tầm với các quốc gia lớn trên thế giới?
- Đúng là ở Singapore có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới. Singapore có diện tích như một thành phố nhưng có diện tích cây xanh rất lớn. Điều đó phải kể đến cơ chế giáo dục kiến trúc của họ. Ở Singapore, nhà nước đầu tư cho những trường đại học có khoa Kiến trúc. Họ thuê một lượng lớn tiến sĩ về Singapore, chỉ ngồi nghiên cứu và viết các bài báo khoa học. Hợp đồng được ký từ 2 - 3 năm, với mức lương rất cao. Họ quản lý đầu ra của các bài báo. Đấy là cơ sở để quyết định ký hợp đồng tiếp hay không. Cách làm này giúp họ làm ra một số lượng bài báo khoa học lớn, như sản xuất công nghiệp. Mặt khác, họ thuê được nhiều kiến trúc sư giỏi dạy cho sinh viên về quy hoạch đô thị bền vững và thiết kế cây xanh. Nhờ đó mà họ tạo được những trường đại học có thương hiệu lớn. Cũng nhờ cách làm đó, họ có được thương hiệu kiến trúc của quốc gia. Từng người dân, đặc biệt là từng sinh viên kiến trúc người Singapore nắm rõ vai trò của kiến trúc xanh, cây xanh. Và vì thế, họ có được một quốc gia xanh.
Là người có kinh nghiệm giảng dạy ở nhiều nước, xin anh cho biết, ngành đào tạo KTS nên học hỏi điều gì từ các nước?
- Vấn đề thứ nhất là làm sao để các trường kiến trúc VN 10 năm hoặc 100 năm cộng lại có thể gặt hái được lượng công trình bằng 1 năm của Singapore hay Nhật Bản? Tuy nhiên, có thể thấy, hệ thống của họ khó thì cực khó, mà dễ thì cực dễ. Như Singapore, những trường hợp đã có công trình nổi tiếng đoạt giải trên thế giới thì không cần theo quy trình đó, mà một bước là ngồi ghế thỉnh giảng ngay. Song hình như số giáo sư như thế ở ta đếm trên đầu ngón tay. Tại sao ta không học Singapore? Một vấn đề nữa là chúng ta thiếu cơ chế cho việc xây dựng tính bền vững trong các công trình thiết kế.
Quan điểm của anh về kiến trúc bền vững?
- Khái niệm bền vững trong thiết kế kiến trúc được hiểu là: Thiết kế khi xây dựng sử dụng, khi vận hành ít năng lượng nhưng quan trọng nhất là công trình đó phải bền vững, lâu dài, chắc chắn theo thời gian (50 - 100 năm). Nếu công trình xây nên mà chỉ có hạn sử dụng chừng 5 - 10 năm thì nó lại thành một đống rác hủy hoại môi trường. Hiện nay chúng ta mới chỉ dừng ở mức có thể tạo ra các thiết kế thú vị nhưng lại bị hạn chế về chất lượng xây dựng, chất lượng thiết kế kiến trúc. Nguyên nhân là vì tính bền vững chưa có. Người Nhật và người Singapore đã làm tốt việc này. Tại sao ta không học họ?
- Xin cảm ơn anh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét