Nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Hưng
Tôi xa Hà nội từ 1998, tới tận 2012 mới về thăm nơi chôn rau cắt rốn. Tôi đã ngạc nhiên trước thay đổi của mặt đê sông Hồng Hà bằng bức tường ghép mảnh gốm sứ dài gần bốn cây số.
Tôi nhanh chóng nhận ra sự bất cập về thẩm mĩ của bức “tường gốm sứ” là thiếu vắng chuyên môn về thao tác không gian lớn của những kiến trúc sư, nên đã tạo ra ngăn cách không gian hai bên bờ đê bằng một bức tường ghép gốm như một trang trí công công cộng tầm thường gần gũi với dạng tranh vẽ bên ngoài tường rào của các nhà trẻ hay các trường mần non hiện nay. Và còn có phần cản trở sinh hoạt của dân cư trong đê. Tôi có trò chuyện với nhiều người trong giới nghệ thuật, hầu hết đều chê xấu.
Thực ra có thể khá hơn, nếu trước khi làm công trình có kiến trúc sư thiết kế không gian tổng thể trước khi trao từng khoảng không gian chi tiết cho các nghệ sĩ thị giác thực hiện tác phẩm theo đúng kích thước của quy hoạch.
Dưới đây là những điều góp ý của tôi:
1. Mời kiến trúc sư tham gia
Nội dung cho kiến trúc sư:
Trên mặt đê dài gần 4km đó có thể quy hoạch thành con đường nghệ thuật gốm sứ như một triển lãm nghệ thuật gốm sứ ngoài trời, với những tác phẩm độc lập khác nhau để cách xa nhau tùy theo thao tác không gian của kiến trúc sư. Ví dụ sẽ là những tranh gốm độc lập, tranh đất nung lớn độc lập để cách xa nhau tùy theo địa hình thực tế. Có thể xa nhau từ 5m đến 20m hay 50m trải dài liên tục trên chiều dài mặt đê sông Hồng, bảo đảm nối kết không gian trong và ngoài đê, bảo đảm giữ được không gian tự nhiên thông thoáng hai vùng dân cư trong và ngoài đê, vừa tạo được “con đường nghệ thuật gốm sứ”, và vẫn giữ được cảnh quan tự nhiên. Làm tác phẩm độc lập sẽ động viên được các tác giả chịu trách nhiệm tuyệt đốt với tác phẩm. Còn làm dài liên tục thì chỉ là một bức vách ngăn trang trí toát lên chất tâm thần bít bùng.
2. Chọn phương án trưng bày
Không nhất thiết cứ phải là tranh gốm, có thể là những bức trạm lộng khổng lồ chất liệu gốm.Thậm chí có thể là một viên gạch men truyền thống trổ thủng bằng sứ mem xanh lục cao tới ba bốn mét, tầm nhìn của người xem xuyên qua tới bờ bên kia sông Hồng.
Vì là một công trình kết tinh văn hóa, nên có thể phối hợp đan xen chép lại tác phẩm của tiền nhân với kích thước khổng lồ bằng chất liệu mosaic, là những tác phẩm hiện lưu trong bảo tàng mỹ thuật Việt Nam của các cố danh họa đã trở thành tài sản văn hóa của Việt Nam. Ví dụ như chọn một tranh phố nào đó của họa sĩ Bùi Xuân Phái, tranh lụa lừng danh của cố họa sĩ Phan Chánh, tranh của Tô Ngọc Vân… Con đường nghệ thuật gốm sứ cần thiết phải bảo đảo giữ không gian ba chiều thực của nó. Như vậy các tác phẩm mosaic sẽ được làm ở cả hai mặt trong và ngoài đê. Và không chỉ là tranh, có thể là tượng thủy tinh, tượng bê tông, gốm, đá ong v.v… Ở những khoảng rộng sẽ có những chỗ tranh gốm ghép nằm trên mặt bằng của mặt đê, cho phép tạo thành công viên nhỏ có ghế ngồi quanh những hiện vật khảo cổ bằng đất nung ở Hoàng Thành Thăng Long đã được khổng lồ hóa như một tượng đài hay tượng vườn.
3. Thành lập hai hội đồng tuyển chọn
- Vòng một do Hội đồng thẩm định nghệ thuật xét duyệt.
- Vòng hai, hội đồng xét duyệt nội dung tư tưởng qua sự trình bầy tự thuyết trình bảo vệ tác phẩm của tác giả.
4. Trao vị trí và kích thước cần thể hiện cho nghệ sĩ
Nội dung và hình thức tác phẩm hoàn toàn thuộc tài năng của cá nhân nghệ sĩ có kí tên trên tác phẩm đã được thông qua hai hội đồng duyệt.
Khi nghệ thuật được làm độc lập tác giả và tác phẩm, người nghệ sĩ tâm huyết hoàn toàn có thể cống hiến cả vật chất thi công khi họ có khả năng. Và bên chữ kí tác phẩm của họ còn có thêm logo của những nhà tài trợ khác trợ gúp họ kinh phí.
Lời kết
Tất cả những suy nghĩ của tôi là sự trung thưc của một nghệ sĩ trước sự lãng phí vội vã của một công trình nghệ thuật công cộng. Tôi biết rằng sự sai lầm về thẩm mĩ và phương pháp thực thi là do một đội ngũ hoàn toàn không đủ chuyên môn và trình độ để làm nghệ thuật cho một không gian lớn dài gần bốn cây số với hai vùng dân cư trong và ngoài đê sông Hồng. Đã thế lại không hề có tham gia của kiến trúc sư. Tác giả chỉ là một nhà báo yêu hội họa đã có ý tưởng và giỏi về khả năng vận động bằng hữu báo chí của họ viết bài hoan ca. Hoàn toàn không hiểu nghệ thuât quy hoạch hoành tráng ở đây. Kết quả là ra đời hấp tấp một bức tường gốm chỉ vì háo hức với sự công nhận của kỉ lục Guinness như công nhận một cái giày to nhất hay cái bánh to nhất. Không hề có tầm nghĩ về một công trình văn hóa bền vững về nghệ thuật cho nghìn năm Thăng Long.
Điều đáng tiếc là dù tác giả vận động chính trị giỏi, nhưng không vận động được tài năng của các nghệ sĩ. Nhiều họa sĩ tài năng tham gia công trình bức tường gốm trên đê này đã phải bó tay trước phương pháp tư duy sai lầm của nhà báo chủ dự án.
Tôi cho rằng bức tường ghép gốm không thể gọi được là tranh gốm này sớm muộn cũng bị dân chúng sở tại tự phát dỡ bỏ hồn nhiên, vì sai lầm tổng thể của kiểu thức tường rào ngớ ngẩn phi thẩm mĩ của nó đã xâm hại sinh hoạt của cư dân hai bên đê. Nếu có tìm cái gì đó để khen “Con đường gốm sứ” thì khen nó có tác dụng tạm thời làm vệ sinh sạch sẽ dọc theo 4km đê sông Hồng.
Ngay khi đọc phác thảo ý tưởng tôi đã thấy điều này, nhưng tôi, một nghệ sĩ ngoài thẩm mĩ cá nhân, tôi không có cương vị chức sắc gì để tiếng nói mình có thể “được nghe”. Tôi gửi bài này lên trang Soi, dù có muộn, vì tiếng nói lương tâm trung thực của nghệ sĩ buộc phải có ý kiến trước những vấn đề liên quan tới cái đẹp nơi công công cho toàn dân; vả lại không có gì là muộn cả, nếu nghĩ tới các công trình tương tự sau này…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét