Kiến trúc sư là một trong những nghề lâu đời nhất trên thế giới có lý thuyết khoa học và cơ sở pháp lý hành nghề. Nghề kiến trúc, về bản chất là một công việc sáng tạo tự do ở góc độ nghề nghiệp, song lại chịu ràng buộc chặt chẽ ở các yếu tố tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn, và chịu trách nhiệm lớn trước pháp luật và xã hội. Thực tế, ở Việt Nam, nghề kiến trúc và danh từ “kiến trúc sư” được biết đến từ những năm 20 của thế kỷ trước, khi trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của người Pháp mở khoa Kiến trúc, đào tạo kiến trúc sư. Nhưng một môi trường hành nghề kiến trúc thật sự mới có khoảng 20 năm trở lại đây.
Những bước truân chuyên nghề nghiệp
Văn bằng tốt nghiệp Kiến trúc sư Đông Dương của sinh viên Nguyễn Văn Nghi năm 1939 (nguồn: Ashui.com)
Khoa Kiến trúc của trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được mở vào năm 1926, đào tạo những sinh viên Việt Nam trở thành kiến trúc sư với mục đích là những nhân tố hỗ trợ, giúp việc cho những kiến trúc sư người Pháp hoạt động trong các đơn vị quy hoạch kiến thiết đô thị và thiết kế công trình ở đô thị. Những sinh viên này đã trở thành thế hệ những kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam.
Trong thời gian đầu, một số kiến trúc sư tốt nghiệp đã bước vào hành nghề thiết kế trong một môi trường tương đối tự do. Họ có thể thành lập văn phòng hoặc hành nghề độc lập – chủ yếu ở Hà Nội và Sài Gòn (nay là TP.HCM); bằng tốt nghiệp kiến trúc sư là một sự đảm bảo về năng lực chuyên môn và có giá trị pháp lý. Tuy vậy, thời gian đó không dài, khi cách mạng tháng 8.1945 thành công và làm thay đổi bối cảnh và thể chế chính trị, sau đó là cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào năm 1946, chiến tranh trên khắp đất nước kéo dài. Bản thân trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng đóng cửa vào năm 1945.
Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc vào năm 1954, thì nơi đây không còn là môi trường hành nghề tự do của kiến trúc sư nữa. Các kiến trúc sư đều trở thành cán bộ, công chức, nhân viên trong các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, viện thiết kế… của Nhà nước hay các bộ chủ quản. Tất cả các dự án, các công trình đều có chung một chủ đầu tư là… Nhà nước; và các kiến trúc sư là những người công chức ăn lương. Trong khi đó, ở phía Nam, môi trường hành nghề của kiến trúc sư cũng không hề sáng sủa và thuận lợi bởi hoàn cảnh chính trị – xã hội đương thời.
Đất nước thống nhất vào năm 1975 và nhiều vấn đề cũng được hợp nhất, thống nhất. Song giới kiến trúc sư vẫn còn đoạn trường truân chuyên nữa… Phải một thời gian sau công cuộc đổi mới năm 1986, kiến trúc sư mới trở lại vai trò độc lập và có cơ chế hành nghề độc lập, phù hợp theo sự phát triển của thị trường một cách tự do. Đã có những kiến trúc sư tiên phong dũng cảm từ bỏ cơ chế bao cấp với vai trò công chức, mạnh dạn bước ra thị trường để hoạt động nghề nghiệp. Cuốn sách Những nhân vật châu Á Thái Bình Dương (lần xuất bản năm 1997 – 1998), trong phần viết về KTS Hoàng Phúc Thắng (Việt Nam) đã ghi nhận: công ty TNHH tư vấn thiết kế ADC do KTS Hoàng Phúc Thắng sáng lập (năm 1991) là công ty tư vấn thiết kế kiến trúc tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Như vậy, nếu tính từ thời điểm đất nước thống nhất, giới kiến trúc sư Việt Nam mới có… 20 năm hành nghề độc lập theo cơ chế thị trường.
Công trình Hội trường Ba Đình (Hà Nội) do KTS Nguyễn Cao Luyện & KTS Trần Hữu Tiềm thiết kế.
Tìm tòi những lối đi và khẳng định
Tuy vậy, mọi việc cũng không phải là dễ dàng. Sự rộng mở của cơ chế thị trường bên cạnh sự thuận lợi cũng đầy rẫy những khó khăn. Trong những mối quan hệ chồng chéo và còn ảnh hưởng nặng của cơ chế xin – cho, thì một kiến trúc sư hành nghề độc lập hay một công ty thiết kế tư nhân khó lòng nhận được hợp đồng thiết kế. Những dự án lớn, với chủ đầu tư nhà nước thì đã quen với những đơn vị tư vấn nhà nước; quen với lối làm ăn kiểu cũ, tư duy cũ. Những công trình nhỏ, như nhà ở thì… khỏi cần kiến trúc sư, khỏi cần bản thiết kế; chủ nhà tự vẽ tự xây được. Trong thời kỳ quá độ đó, nhiều kiến trúc sư đành nhẫn nhịn tìm kiếm và củng cố quan hệ thay vì đầu tư phát triển chuyên môn và xây dựng thương hiệu, như đúng bản chất kinh tế thị trường. Bên cạnh đó còn chồng chất những khó khăn khác như các cơ chế, chính sách… không công bằng, không tạo điều kiện cho khối kinh tế tư nhân nói chung và việc hành nghề kiến trúc nói riêng. Những công ty kiến trúc tư nhân, những văn phòng thiết kế, những kiến trúc sư hành nghề tự do đã phải đi qua chặng đường nhiều khó khăn như thế! Có lẽ, chỉ mươi năm gần đây, việc hành nghề kiến trúc ở nước ta mới tạm gọi là ổn trên nhiều phương diện. Nghề kiến trúc và kiến trúc sư dần dần đã được xã hội ghi nhận, và trở nên quen thuộc. Môi trường hành nghề mở rộng hơn, thông tin phong phú hơn, phương tiện và nhân lực dồi dào; song việc cạnh tranh cũng khốc liệt hơn.
Công trình biệt thự ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Những chuyện muôn thủa:
Có lẽ, chuyện kiến trúc sư và hành nghề kiến trúc thì có rất nhiều, nhưng nói nhiều nhất và đọng lại nhiều nhất cũng chỉ là chuyện chất lượng thiết kế, chất lượng công trình và chuyện… khá tế nhị – là thiết kế phí – nói một cách dân dã là tiền.
Chuyện sau xin nói trước. Đã là một dịch vụ xã hội, là ngành nghề kinh doanh mà lại không quan tâm đến tiền là không thật. Kiến trúc sư kiếm được nhiều tiền hẳn phải có được nhiều đầu việc, và thiết kế phí phải cao (mà khách hàng vẫn chấp nhận). Khi không còn ràng buộc bởi chi phí theo biểu dự toán của cơ quan Nhà nước nữa, thì không thể kiểm soát hay khống chế được chi phí trả cho kiến trúc sư; họ có toàn quyền thoả thuận với khách hàng của mình trong tương quan kinh phí và nội dung công việc. Mỗi kiến trúc sư, mỗi văn phòng tư vấn đưa ra một giá khác nhau; hoặc tuỳ từng đối tượng khách hàng mà đưa ra giá phù hợp. Và cũng như mọi ngành nghề kinh doanh khác, cũng tuân theo quy luật cung – cầu; dịch vụ thiết kế kiến trúc cũng phải linh hoạt và nương theo thị trường, theo từng hoàn cảnh, thời điểm. Khi đang có nhiều việc thì kiến trúc sư sẵn sàng “chảnh”, quát giá cao; và khi không có việc thì sẵn sàng hạ tới phá giá để có được hợp đồng. Nhiều khách hàng chuẩn bị xây nhà đi “thăm dò” thị trường kiến trúc không khỏi thắc mắc vì sao nhiều giá khác nhau thế; cho một ngôi nhà, một nhiệm vụ thiết kế và khối lượng công việc. Tất nhiên dân gian có câu “tiền nào của đấy”; nhưng thiết kế kiến trúc lại không phải là hàng hoá bán sẵn để có thể đánh giá ngay lập tức. Và điều nữa, về mặt chuyên môn, có thể đánh giá, thẩm định thiết kế về mặt kỹ thuật thuần tuý; vậy còn sự sáng tạo – bản chất của kiến trúc, liệu có đánh giá được bằng tiền không? Hay lại… “tiền mất tật mang”?
Chuyện thứ hai, là chuyện chuyên môn, chuyện thiết kế – tư vấn, hay chuyện nghề. Có một câu hỏi rằng: công trình đẹp (hay xấu) là do ai? Câu trả lời rất đơn giản và logic là: do người thiết kế, tức là kiến trúc sư. Câu trả lời đó đúng theo lý thuyết, nhưng thực tế không phải vậy. Giới làm nghề đều thừa nhận rằng tuỳ từng trường hợp cụ thể để có ảnh hưởng ở mức độ nào, song về cơ bản vai trò quan trọng nhất của một công trình thành hay bại chính là do chủ đầu tư. KTS Le Corbusier (Thuỵ Sĩ/ Pháp) – một trong những cây đại thụ của nền kiến trúc hiện đại thế giới từng nói: “Không có kiến trúc sư tồi, mà chỉ có những ông chủ kém thông minh”.
Câu nói với cách phủ định của KTS Le Corbusier dường như để khẳng định một điều: Vai trò của ông chủ rất quan trọng, và kiến trúc sư phải đảm nhiệm thêm một nhiệm vụ nữa bên cạnh việc sáng tạo công trình đẹp là làm cho các ông chủ thông minh hơn. Điều đó quả là khó khăn! Chuyện ông chủ áp đặt khiên cưỡng ý muốn cho kiến trúc sư là chuyện rất phổ biến. Nhiều kiến trúc sư phát hãi và dị ứng khi làm việc các công trình hành chính, công trình có vốn ngân sách với chủ đầu tư luôn áp đặt kiểu uy quyền. Ở mảng nhà ở, công trình nhỏ cũng tương tự. Nhiều kiến trúc sư kể rằng không biết bao nhiêu lần khách hàng tới văn phòng ôm theo cả đống tạp chí (hoặc dẫn kiến trúc sư đến nơi này nơi kia) và yêu cầu vẽ sao cho giống y cái này cái kia – ở trong tạp chí hay đã xây rồi đâu đó. Tất cả những việc đó đã biến kiến trúc sư thành thợ vẽ, phủ nhận những giá trị tốt đẹp nhất và vai trò sáng tạo của họ; xói mòn đạo đức nghề nghiệp. Những công trình xấu mọc lên không biết là lỗi của ai, nhưng bộ mặt đô thị và xã hội phải gánh chịu.
Công trình biệt thự ở Hạ Long (Quảng Ninh).
Chính danh nghề nghiệp
Xin được nhắc lại rằng: Kiến trúc sư (cùng với luật sư, bác sĩ) là một trong những nghề lâu đời nhất trên thế giới có lý thuyết khoa học và cơ sở pháp lý hành nghề. Để việc hành nghề kiến trúc được thuận lợi trong một môi trường lành mạnh, có ích cho xã hội thì trước hết kiến trúc sư phải chính danh. Danh có chính thì ngôn mới thuận. Trong bối cảnh hành nghề hiện nay, dẫu còn nhiều bất cập, song giới kiến trúc sư đã dần khẳng định được vai trò và vị thế của mình trước xã hội, đất nước. Nghề kiến trúc đã dần dần được hiểu, được ghi nhận ở cả góc độ nghề nghiệp và thị trường. Vai trò của kiến trúc sư được phát huy; các khách hàng tìm đến với kiến trúc sư nhiều hơn, đa dạng hơn.
Cũng cần hiểu rằng, mọi sự đổi thay không thể một sớm một chiều mà có được kết quả; và mọi sự nỗ lực cũng phải xuất phát từ nhiều phía. Sẽ có kiến trúc sư giỏi không nếu đào tạo yếu kém? Sẽ có công trình tốt không nếu không có ông chủ thông minh? Sẽ có thiết kế tốt không nếu như chi phí dành cho kiến trúc sư rẻ mạt? Sẽ có môi trường tốt không nếu như cơ chế, pháp lý không chặt chẽ?... Tất cả là một tập hợp quan hệ đa chiều, ràng buộc lẫn nhau. Nhưng nói gì thì nói, yếu tố quan trọng nhất vẫn phải là chủ thể – kiến trúc sư. Kiến trúc sư hành nghề trong thị trường, trên thương trường – ở khía cạnh nào đó là làm dịch vụ, và lấy phí. Song kiến trúc sư phải kiến tạo nên những giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn, tính bền vững cho công trình, cho những sản phẩm thiết kế và có vai trò định hướng xã hội tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Đó là vai trò, là nhiệm vụ cao cả, bất biến của nghề. Những kiến trúc sư thành công là những người có nội lực văn hoá sâu rộng, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét