Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

KTS Võ Trọng Nghĩa: “Tại sao chúng ta không học Singapore?"

Nhà Green Renovation của CTy Võ Trọng Nghĩa vừa đoạt giải Kiến trúc xanh của Mỹ. Ảnh: T.L

Thương hiệu quốc gia trong kiến trúc và thương hiệu của công ty đạt tầm quốc tế chính là tài sản quý để kiến trúc sư (KTS) Việt bước vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, tại sao nền kiến trúc Việt Nam chưa tạo được thương hiệu, dẫn đến “trắng tay” ngay cả trên sân nhà? Chúng tôi có cuộc trao đổi với KTS Võ Trọng Nghĩa.

    Anh cho biết: “Sau một thời gian dài tìm hiểu, tôi thấy đó là do ta thiếu thương hiệu kiến trúc quốc gia. Giả dụ, thương hiệu của Pháp là 100 thì của VN là 0. Thương hiệu của công ty họ nếu chỉ đạt ở mức 5 hay 10 thì họ cũng đã có sẵn nền tảng giá trị thương hiệu kiến trúc mà nếu cộng vào vẫn được điểm rất cao, từ 105 - 110 điểm. Công ty Việt Nam nếu có thương hiệu là 50 thì cũng chỉ vẫn được 50 thôi. Chủ đầu tư sẽ chọn Cty có chỉ số thương hiệu cao hơn là chuyện đương nhiên”.
     Từng giảng dạy về kiến trúc tại Singapore một thời gian, xin anh cho biết vì sao một đất nước có diện tích nhỏ như Singapore lại có một nền kiến trúc phát triển ngang tầm với các quốc gia lớn trên thế giới?
    - Đúng là ở Singapore có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới. Singapore có diện tích như một thành phố nhưng có diện tích cây xanh rất lớn. Điều đó phải kể đến cơ chế giáo dục kiến trúc của họ. Ở Singapore, nhà nước đầu tư cho những trường đại học có khoa Kiến trúc. Họ thuê một lượng lớn tiến sĩ về Singapore, chỉ ngồi nghiên cứu và viết các bài báo khoa học. Hợp đồng được ký từ 2 - 3 năm, với mức lương rất cao. Họ quản lý đầu ra của các bài báo. Đấy là cơ sở để quyết định ký hợp đồng tiếp hay không. Cách làm này giúp họ làm ra một số lượng bài báo khoa học lớn, như sản xuất công nghiệp. Mặt khác, họ thuê được nhiều kiến trúc sư giỏi dạy cho sinh viên về quy hoạch đô thị bền vững và thiết kế cây xanh. Nhờ đó mà họ tạo được những trường đại học có thương hiệu lớn. Cũng nhờ cách làm đó, họ có được thương hiệu kiến trúc của quốc gia. Từng người dân, đặc biệt là từng sinh viên kiến trúc người Singapore nắm rõ vai trò của kiến trúc xanh, cây xanh. Và vì thế, họ có được một quốc gia xanh.
     Là người có kinh nghiệm giảng dạy ở nhiều nước, xin anh cho biết, ngành đào tạo KTS nên học hỏi điều gì từ các nước?
    - Vấn đề thứ nhất là làm sao để các trường kiến trúc VN 10 năm hoặc 100 năm cộng lại có thể gặt hái được lượng công trình bằng 1 năm của Singapore hay Nhật Bản? Tuy nhiên, có thể thấy, hệ thống của họ khó thì cực khó, mà dễ thì cực dễ. Như Singapore, những trường hợp đã có công trình nổi tiếng đoạt giải trên thế giới thì không cần theo quy trình đó, mà một bước là ngồi ghế thỉnh giảng ngay. Song hình như số giáo sư như thế ở ta đếm trên đầu ngón tay. Tại sao ta không học Singapore? Một vấn đề nữa là chúng ta thiếu cơ chế cho việc xây dựng tính bền vững trong các công trình thiết kế.
     Quan điểm của anh về kiến trúc bền vững?
    - Khái niệm bền vững trong thiết kế kiến trúc được hiểu là: Thiết kế khi xây dựng sử dụng, khi vận hành ít năng lượng nhưng quan trọng nhất là công trình đó phải bền vững, lâu dài, chắc chắn theo thời gian (50 - 100 năm). Nếu công trình xây nên mà chỉ có hạn sử dụng chừng 5 - 10 năm thì nó lại thành một đống rác hủy hoại môi trường. Hiện nay chúng ta mới chỉ dừng ở mức có thể tạo ra các thiết kế thú vị nhưng lại bị hạn chế về chất lượng xây dựng, chất lượng thiết kế kiến trúc. Nguyên nhân là vì tính bền vững chưa có. Người Nhật và người Singapore đã làm tốt việc này. Tại sao ta không học họ?
    - Xin cảm ơn anh!
    KTS Võ Trọng Nghĩa từng là giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Công nghệ & Thiết kế Singapore. Từng được mời đến nói chuyện tại nhiều trường đại học quốc tế: Đại học Kiến trúc Bartlett (London, Vương quốc Anh), Viện Kiến trúc New Zealand (New Zealand), Học viện Kiến trúc Pháp, Đại học Kỹ thuật Braunschweig (Đức), Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc), Đại học Hongkong (Hồng Kông, Trung Quốc)... Tháng 9.2015, KTS Võ Trọng Nghĩa sẽ có buổi nói chuyện tại ĐH Harvard (Hoa Kỳ).

    Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

    Khát vọng Baroque trong trào lưu “lâu đài” kiểu mới ở Việt Nam

    Nghiêm Toàn

    Lâu đài Tổng Hải Sơn ở Phủ Lý
    Trong vài năm qua, ở Việt Nam phần nào xuất hiện cái gọi là trào lưu kiến trúc theo kiểu “lâu đài” và “chuẩn Pháp” với hình thức mang phong cách kiến trúc kiểu cổ điển châu Âu một cách khá rõ nét, được xây dựng ở nhiều địa phương khác nhau như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam và một số địa phương khác.
    Những công trình này phần nào thu hút sự chú ý của những người trong nghề cũng như sự hiếu kỳ của người ngoài nghề. Theo đó, trên Vietnamnet thậm chí còn có cả một chuyên mục để giới thiệu loạt công trình này.
    Các ý kiến của mọi người thì cũng nhiều chiều, một phần không nhỏ ngưỡng mộ sự xa hoa và giàu có của gia chủ, phần khác thì bỉ bôi như thói trưởng giả học làm sang kiểu mới. Với những người làm nghề kiến trúc thì có lẽ các ý kiến mang sự phê phán nặng nề nhiều hơn là lời khen ngợi.
    Lâu đài Tổng Hải Sơn. Ảnh về công trình này là của trang Motthegioi. Bài về công trình doVNN dẫn lại.
    Tuy nhiên, nếu nhìn vào quá khứ thì ở Việt Nam, những trào lưu kiến trúc như thế này cũng không phải là lần đầu, với những công trình xây dựng trong thời Pháp thuộc, mang sự pha trộn giữa kiến trúc cổ điển châu Âu và những nét cấu trúc và trang trí bản xứ. Đọc lại những câu chuyện xung quanh căn nhà của cô Tư Hồng, của những căn nhà cự phú được tả trong hồi ký Chiều chiều của cụ Tô Hoài và nhiều người khác thì chỉ cần thoáng qua cũng thấy rõ cái mỉa mai của người mình ở thời đó cho những công trình kiểu ấy. Tây nó làm thì khen, chứ ta mà làm, kiểu gì cũng bị xơi cái tiếng là trọc phú học đòi, ấy mới lạ. Nói thì là vậy nhưng qua thời gian, mọi thứ quan niệm cũng có thể thay đổi, lời chê bai rồi cũng nhạt nhòa, nhất là ở xứ mình vốn là nơi dễ dung thông tiếp nhận. Trong danh sách mấy trăm nhà biệt thự cổ mà UBND thành phố Hà Nội mới ra quy chế bảo tồn giữ gìn có khi cũng có ối những căn nhà bị bỉ bôi điều tiếng ngày xưa, thời gian mà.
    .
    Quay trở lại những công trình “lâu đài” mới xây gần đây, cá nhân mình, với tất cả sự nghiêm túc, hoàn toàn không thấy có vấn đề gì về thẩm mỹ cũng như quan niệm, việc xây mới hoàn toàn một công trình kiến trúc châu Âu thế kỷ 17, 18 vào thế kỷ 21 cũng không khác gì việc xây mới chùa Bái Đính hay biết bao đình chùa miếu mạo như những năm vừa qua. Miễn sao là chúng đẹp và được đặt ở đúng chỗ. Thêm nữa, về mặt kinh tế, không thể không đáng mừng khi ở cái xứ nghèo khó như nước mình đã có những người có điều kiện để chứng tỏ một đẳng cấp mới của sự xa hoa cho nơi ở.
    Những tòa nhà được gọi là “lâu đài” và “chuẩn Pháp” này có thể thấy chúng mang “hình ảnh” của kiến trúc Baroque một cách khá rõ nét. Về mặt tinh thần, những chủ nhân tỉ phú của nó cũng có nhiều sự đồng điệu với thời kỳ Baroque ở châu Âu, với những thành quả của đầu tiên của thương mại và khai thác thuộc địa, họ cần có một địa vị mới trong xã hội với sự xa hoa và chứng tỏ quyền lực không giới hạn, kiến trúc cũng chỉ là vật mang cái vỏ của khát vọng đó.
    .
    Do vậy, việc người giàu xứ mình tìm đến phong cách Baroque cũng là chuyện hoàn toàn tự nhiên và dễ hiểu. Tỉ phú trên thế giới cũng vậy thôi, ngoài những người là nghệ sỹ, nhà phát triển công nghệ thì nhà của đa phần tỉ phú nếu không phải là Baroque thì cũng là Rococo hoặc Neo Classic. Đó là sự sang trọng và xa hoa đã được lịch sử thẩm định, cộng thêm sự hấp dẫn của tính độc bản, cầu kỳ và những vật liệu đắt tiền. Kiến trúc hiện đại dù đẹp đến đâu đi chăng nữa thì cũng vẫn chỉ một sản phẩm hoàn toàn công nghiệp, ví như chuyện một chiếc Mercedes thì vẫn chỉ là cái ô tô, còn Rolls Royce thì người ta gọi nó là Rolls Royce. Kiến trúc, xét với tâm lý người sử dụng thì cũng vậy thôi.
    .
    Quay trở lại chủ đề kiến trúc, để phân tích sơ qua những công trình này một cách công bằng hơn là cảm nhận và sở thích chủ quan, mình xin tạm liệt kê những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Baroque (theo kiến thức nhỏ bé của mình):
    Về tổng thể, công trình kiến trúc đặt ở trung tâm với các đường hướng tâm mạnh mẽ, mang tính chất tôn vinh chủ thể. Có thể thấy rõ đặc trưng này ở lâu đài Versailles – Pháp (hình)…

    … hay cung điện Hoàng gia La Granja – Tây Ban Nha (hình). Tùy quy mô khác nhau nhưng kiến trúc Baroque mang đặc điểm này hết sức đặc trưng.

    Mặt đứng công trình phức tạp và cầu kỳ, sử dụng mạnh mẽ sự tương phản ánh sáng tạo ra bởi các cấu trúc mặt đứng.

    Các diện mặt bằng, không gian lớn và rất phức tạp, kiến trúc kết hợp mạnh mẽ với điêu khắc, hội họa, tranh trần cho các không gian chính rất phổ biến. Sử dụng các vật liệu, chi tiết đắt tiền. Ảnh: Nhà thờ St Francis Xavier

    Với sự giao thoa qua hoạt động thương mại và các thuộc địa, việc sử dụng các vật liệu, chi tiết trang trí du nhập từ bên ngoài đã có từ thời kỳ đầu của Baroque. Nói điều này để lý giải cho các công trình đang phân tích ở trên nếu có sử dụng các chi tiết trang trí bản địa cho công trình thì cũng không có gì khác biệt. Ảnh: trang trí tại thư viện của tu viện Admont (Áo)

    Một đặc điểm nổi bật là nghệ thuật sử dụng ánh sáng giáp tiếp. Ánh sáng phản xạ qua nhiều lớp, tạo hiệu quả thị giác độc đáo. Ảnh: Tại tu viện Admont (Áo)
    Với các đặc trưng nêu trên, các công trình mới xây ở Việt Nam, dẫu phần nào đó mang chút “hình ảnh” của kiến trúc Baroque, nhưng nếu phân tích kỹ thì cũng còn xa xôi lắm.
    Về tổng thể, là những công trình xây chen trong đô thị, với vài trăm m2 hoặc thậm chí là 3000m2 như ở Hà Nam thì cũng quá ư là khiêm tốn, không thể có cái gọi là vườn Baroque một cách thực sự, dù cho có trồng những cây vài trăm triệu hay vài tỉ trong chậu đi chăng nữa (ảnh), trong khi tổng thể, vườn là những cấu thành không thể thiếu được làm nên sự sang trọng, quý tộc của kiến trúc Baroque. Có lẽ các đại gia nên lên Ba Vì lập chiến khu, ít cũng phải vài chục hecta mới có thể hoành tráng lên được.

    Về công trình: Cũng như vậy, là quá bé nhỏ, với quy mô vài trăm m2 mỗi tầng thì để có những không gian lớn đặc trưng của kiến trúc Baroque là không thể. Cấu trúc mặt bằng và không gian thuần túy công năng, dấu vết Baroque chỉ nhận ra được qua các chi tiết trang trí dày đặc của nội thất và mặt đứng công trình. Ảnh: Chi tiết trang trí ở mặt tiền lâu đài ở Phủ Lý, Hà Nam

    Với sự sao chép đơn giản của hình thức bên ngoài và cấu trúc mặt bằng quá đơn giản nên yếu tố nổi bật của kiến trúc Baroque là nghệ thuật sử dụng ánh sáng giáp tiếp hoàn toàn thiếu vắng, các không gian trở thành khối tối tăm nặng nề dày đặc các chi tiết trang trí. Ảnh: Nội thất của lâu đài ở Phủ Lý. (Ảnh về công trình này là của trang Motthegioi. Bài về nội thất công trình doVNN dẫn lại.)

    Việc sử dụng điêu khắc và các diện, chi tiết trang trí với mong muốn mang đặc trưng Baroque mà thiếu tiết chế và nền tảng thẩm mỹ là một sự ngộ nhận nguy hiểm. Có lẽ dùng ý của anh Phó Đức Tùng là thấu đáo nhất trong trường hợp này: Một cung điện cực kỳ xa hoa thì lại càng là tác phẩm của sự tinh giản; nếu không tinh giản, chắt lọc thì nó không thành một cung điện, mà sẽ là một đống rác.
    Còn một điều cuối cùng, thôi thì nói gần nói xa chẳng qua nói thật, các cụ nhà mình đã dạy một câu rất thấm thía: “Y phục xứng kỳ đức”, với chủ nhân của ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Baroque của thế kỷ 21 này thì có lẽ cũng không nhất thiết phải đội tóc giả và nhảy điệu Rigaudon trong phòng khiêu vũ. Tuy nhiên, để mặc quần đùi hoa, gác chân lên chiếc ghế Đồng Kỵ mà xơi miếng thịt chó cho nó Baroque thì cũng khó, có lẽ cũng vất vả ngang với việc ngồi trên Rolls Royce mà cầm điếu cày cho đúng phong cách Rococo vậy.

    TRÀO LƯU "KIẾN TRÚC PHÁP" TẠI VIỆT NAM QUA MỘT CÁCH NHÌN VIỆT TẠI PHÁP

    Trước tiên, để có thể tiếp cận được chủ đề nêu trên, trong khuôn khổ rất giới hạn của bài viết này, tôi xin được đưa ra quan điểm của mình tập trung về định nghĩa kiến trúc. Tôi xin cũng nêu rõ đây không phải là một định nghĩa có tham vọng mang giá trị hợp lệ một cách tuyệt đối vì với tôi đó là điều không thể.


    Chúng ta không nên vội vàng đưa ra phán xét cho "kiến trúc Pháp" vì cho dù phán xét có thế nào thì điều quan trọng hơn cả vẫn là những gì "kiến trúc Pháp" nói lên được về yếu tố con người và yếu tố môi trường của mình.
    Theo tôi, khái niệm kiến trúc được hình thành để chỉ sản phẩm không gian nhân tạo mà con người tạo ra trong quá trình chinh phục bên ngoài để biến đổi môi trường bên ngoài (hiểu theo nghĩa rộng từ các giá trị vật chất đến các giá trị tinh thần) trở nên thân thiện hơn với bản thân mình, và thông qua đó củng cố sự tồn tại của bản thân. Ví dụ: bằng việc xây cất một ngôi nhà, con người có thể cải thiện điều kiện khí hậu xung quanh trở nên dễ chịu hơn với cơ thể của mình, đồng thời cũng hoạch định được cho tâm tưởng của mình nơi đi chốn về để cảm thấy yên tâm hơn, an toàn hơn. Sự tồn tại của ngôi nhà đó gắn bó mật thiết với sự tồn tại của con người ở trong nó, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Nói một cách khác đi thì chúng ta có thể hiểu kiến trúc là sự sáng tạo của con người nhằm mục đích bổ sung cho chính cơ thể bẩm sinh của mình khi cơ thể đó không còn đủ để con người thể hiện cái tôi của mình ra bên ngoài. Kiến trúc lúc này đồng nghĩa với sự nới rộng khả năng của bản thân.
    4962733468_7aafd9e5ce_b (Copy)
    Nhưng ngược lại, kiến trúc với vai trò là một phần của môi trường bên ngoài lại trở thành nhân tố xây dựng hình ảnh cái tôi của người sử dụng kiến trúc ở một mức độ nào đấy. Sự đóng góp này có thể là rất lớn trong trường hợp của một người sinh ra và lớn lên cố định tại một thành phố lớn hay một nơi có nền văn hóa bản địa sâu đậm. Không có thành phố thì sẽ không có thị dân, không có cung điện thì sẽ không có vua chúa, mặc dù trên phương diện sinh học những con người đó có thể vẫn đang tồn tại.
    Chúng ta có thể thấy được mối quan hệ kiến trúc - con người là qua lại và rất mật thiết. Kiến trúc vừa là vách ngăn, vừa là cầu nối giữa cái tôi của một chủ thể con người và những gì còn lại mà chủ thể đó coi là thế giới bên ngoài.
    Kiến trúc Pháp
    Nếu khái niệm kiến trúc được cho là không thể bị tách rời ra khỏi yếu tố con người sống trong nó và môi trường bao quanh nó thì liệu chúng ta có thể kết luận rằng: Để trải nghiệm hay "nhìn thấy được" kiến trúc Pháp, người sống trong công trình đó phải sở hữu một vốn văn hóa có thể được nhận dạng là văn hóa Pháp, môi trường xung quanh công trình đó phải là môi trường tương đồng với nền văn minh Pháp. Có vậy thì kiến trúc Pháp mới có thể xuất hiện theo đúng tính chất nội tại của mình. Một người ngoại quốc không thể nào nắm bắt được đâu là giá trị đích thực của cây đa mái đình, của quán cóc vỉa hè khi anh ta không trải qua cái tuổi thơ chờ đợi bà bồng bế đi xem hội làng hay từng buổi tối gió mùa đông bắc châm điếu thuốc, nhâm nhi một cốc trà nóng cùng thằng bạn trên Bờ Hồ. Đó là những giá trị chỉ có thể hiện hữu bằng cảm nhận và trải nghiệm chứ không thể hiện hình qua tranh ảnh, sách báo hay thậm chí là văn chương.


    Để trải nghiệm hay "nhìn thấy được" kiến trúc Pháp, người sống trong công trình đó phải sở hữu một vốn văn hóa có thể được nhận dạng là văn hóa Pháp, môi trường xung quanh công trình đó phải là môi trường tương đồng với nền văn minh Pháp. Có vậy thì kiến trúc Pháp mới có thể xuất hiện theo đúng tính chất nội tại của mình.
    Nếu các bạn cũng đồng ý với tôi về nhận xét trên thì chúng ta có thể thấy rõ rằng những công trình "kiến trúc Pháp" đang được đặt hàng, thiết kế và rao bán một cách hàng loạt chỉ đơn thuần là những sản phẩm thương mại hóa được gắn thương hiệu "kiến trúc Pháp" nhằm tăng tính hấp dẫn trên thị trường.
    Vậy "Kiến trúc Pháp" ở đây là gì? "Kiến trúc Pháp" chính là một trong những hiện thân của kiến trúc Việt tại thời điểm gần đây. Tại sao chúng ta lại có thể khẳng định điều này? Như đã đề cập ở phần trên của bài viết, kiến trúc không thể nào tồn tại độc lập mà không có yếu tố con người sống trong nó và môi trường xung quanh nó. Trong trường hợp này, đâu là yếu tố con người và đâu là yếu tố môi trường?
    16161229172_78a8119ae0_b (Copy)Yếu tố con người ở đây là đối tượng khách hàng và giới phê bình bị mê hoặc bởi thương hiệu "kiến trúc Pháp". Tình trạng này bắt nguồn từ xu hướng sính ngoại, ham muốn sở hữu sự độc đáo mới lạ và qua đó công cụ hóa khái niệm kiến trúc để tạo dựng hình ảnh của bản thân.
    Về yếu tố môi trường, kiến trúc Việt đang sống trong một xã hội mà kiến trúc không phải là giá trị phi vật thể duy nhất bị thương hiệu hóa bởi những nhà đầu tư mà tư duy chủ đạo được viết bằng ngôn ngữ của lợi nhuận. Chúng ta đang có công nghiệp về văn hóa, về sức khỏe, về giáo dục, về nghệ thuật, thậm chí là về phê bình nghệ thuật tràn lan ở khăp mọi nơi. Những giá trị phi vật thể nói trên tưởng chừng như không thể đem ra cân đo đong đếm này đều đã được quy đổi về một giá trị duy nhất để có thể định lượng và trao đổi.
    Chúng ta không nên vội vàng đưa ra phán xét cho "kiến trúc Pháp" vì cho dù phán xét có thế nào thì điều quan trọng hơn cả vẫn là những gì "kiến trúc Pháp" nói lên được về yếu tố con người và yếu tố môi trường của mình. Liệu rằng sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta bàn về việc làm thế nào nắm bắt, thông qua "kiến trúc Pháp", rồi tìm cách cải thiện hai yếu tố trên?
    KTS. Nguyễn Lê Hưng
    (Hội KTS Việt Nam tại Pháp)

    Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

    LIÊN HOAN KTS TRẺ TOÀN QUỐC LẦN VI - KTS LÊ HỒNG NGUYÊN: "TÔI TỰ HÀO LÀ THẰNG ĐIÊN THỨ 6"

    Liên hoan KTS trẻ toàn quốc lần thứ VI đã diễn ra thành công tốt đẹp, với vai trò là trưởng trại chủ nhà xin anh chia sẻ cảm xúc của mình tới độc giả?
    KTS Lê Hồng Nguyên (LHN): Thật lòng, những địa phương dải đất miền Trung như Thanh Hoá chúng tôi rất hiếu khách, trọng bạn. Hiếm khi nào được đón tiếp nhiều bạn nghề đến thế, bốn phương tụ về, chưa gặp mà như đã quen với cái chung là cùng làm nghề Kiến trúc, được trao đổi nghề nghiệp, được sống hoà đồng bên nhau, giọng Bắc, Trung, Nam hoà quyện. Những tất bật bộn bề chuẩn bị, những lo âu căng thẳng...rồi vỡ oà khi được đón bạn bè, đồng nghiệp từ khắp mọi miền về nhà mình. Đến rồi lại đi...tôi và những anh chị em trong Ban tổ chức hẫng mất mấy ngày. Cảm xúc thật khó nói hết, cứ thấy lâng lâng.



    11081265_10204185418858483_6013384861176992705_n...bốn phương tụ về, chưa gặp mà như đã quen với cái chung là cùng làm nghề Kiến trúc, được trao đổi nghề nghiệp, được sống hoà đồng bên nhau, giọng Bắc, Trung, Nam hoà quyện..../ Ảnh(C)KTS Bùi Thịnh
    (KV): Thành công của ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn từ nỗi vất vả của Ban tổ chức CLB KTS trẻ Thanh Hóa. Anh có thể chia sẻ về những khó khăn mà BTC gặp phải trong thời gian tổ chức chương trình ?
    (LHN): Được đón tiếp bạn bè, đồng nghiệp cả nước về với quê hương mình với chúng tôi là vinh dự lớn. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ hơn 1.000 người thật nhiều bộn bề, khó khăn. Kiến trúc sư cũng chưa phải dư giả về vật chất, những cố gắng có được giá thấp nhất cho các dịch vụ cũng là một cố gắng lớn của anh chị em KTS Thanh Hoá.
    Với mong muốn nâng cao chất lượng nghề nghiệp của Liên hoan: Ban tổ chức cùng với Ban điều hành KTS Trẻ Việt Nam đã rất nhiều cố gắng liên hệ để những Kiến trúc sư hàng đầu đến để đối thoại với anh chị em KTS Trẻ Việt Nam. Đây cũng là khó khăn lớn nhưng được đánh giá là thành công nhất, dấu ấn nhất của kỳ liên hoan này.



    Liên hoan KTS trẻ lần 6 với sự tham gia của gần 1000 KTS đến từ mọi miền trên tổ quốcLiên hoan KTS trẻ lần 6 với sự tham gia của gần 1000 KTS đến từ mọi miền trên tổ quốc/ Ảnh(c)KTS Bùi Thịnh
    Ngoài ra việc tổ chức hậu cần cho 1.000 anh chị em tham dự cũng là vấn đề rất lớn, tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh. Các vấn đề về ăn, nghỉ, di chuyển.... rất linh động, anh chị em được phân công bám sát và giải quyết rất nhiều vấn đề phát sinh.  Thanh Hoá là tỉnh lớn, có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc để có thể giới thiệu với bạn bè. Việc lựa chọn và thiết kế tuyến đi thật không đơn giản. Anh chị em Ban tổ chức đã rất nhiều lần đi khảo sát, việc đi lại nhiều ở khoảng cách xa là một vất vả lớn cho anh chị em được phân công nhiệm vụ.
    Rất may, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự chung tay của ban điều hành KTS Trẻ Việt Nam: anh Thu Phong, anh Lý Thông, anh Huy Bùi, anh Tô Hùng....và nhiều nhiều các anh chị em Bắc, Trung, Nam cùng xúm vào với lòng nhiệt huyết tất cả cho một kỳ liên hoan ấn tượng.
    Những vất vả qua đi, giờ chúng tôi đang nhẩn nha, nhấm nháp dư âm những ngày được sống trong tình bạn bè, đồng nghiệp trên quê hương mình.
    (KV): Mọi người thường nói đùa "anh là thằng điên thứ 6". Anh có tự hào về điều này không ? Tại sao ?
    (LHN): Những người bạn làm nghề, được đến với nhau tại nhà mình, chan hoà, quý lắm. Điên, nhưng tôi tự hào. Tôi xem đây là việc lớn trong đời mình đã làm được.Và tôi thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều.



    KTS Lê Hồng Nguyên: "Tôi tự hào là thằng điên thứ 6"KTS Lê Hồng Nguyên: "Tôi tự hào là thằng điên thứ 6" / Ảnh(c)KTS Thái Linh
    (KV): Điều gì làm anh thấy tự hào nhất trong kỳ Liên hoan này ?
    (LHN):  Có 3 điểm nhấn trong kỳ liên hoan này !
    Thứ nhất - Nâng cao chất lượng chuyên môn, trao đổi nghề nghiệp, mời được những kiến trúc sư hàng đầu thế giới như KTS Salvador Perez Aroyo, các KTS bậc thầy như Hồ Thiệu Trị, Nguyễn Tiến Thuận.... và các KTS Trẻ trong nước và khu vực Đông Nam Á, những tham luận, những cuộc đối thoại giúp chúng tôi hiểu hơn về giá trị nghề nghiệp, hiểu về vị trí đang làm nghề của mình, giúp chúng tôi định hướng con đường mình đi phía trước. Những anh chị em làm nghề ở các tỉnh như chúng tôi, được gặp diện kiến và nghe những KTS thành danh như thế nói về nghề là cả một vinh dự to lớn.



    Liên hoan KTS trẻ năm nay có sự góp mặt của  những kiến trúc sư hàng đầu thế giới như KTS Salvador Perez Aroyo, các KTS bậc thầy như Hồ Thiệu Trị, Nguyễn Tiến Thuận.... và các KTS Trẻ trong nước và khu vực Đông Nam ÁLiên hoan KTS trẻ năm nay có sự góp mặt của những kiến trúc sư hàng đầu thế giới như KTS Salvador Perez Aroyo, các KTS bậc thầy như Hồ Thiệu Trị, Nguyễn Tiến Thuận.... và các KTS Trẻ trong nước và khu vực Đông Nam Á / Ảnh(c)KTS Bùi Thịnh
    Thứ hai là các hoạt động rất đậm chất kiến trúc sư; lễ khai mạc hoành tráng, ấm tình được khép lại với tiểu phẩm về nghề kiến trúc, do chính các anh chị em làm nghề thể hiện. Cuộc thi thiết kế trại nhanh đã tạo không khí vô cùng hứng khởi cho các anh chị em Kiến trúc sư tham gia, khơi lại tính nghề nghiệp, sự sáng tạo trong ý tưởng cũng như công tác tổ chức thi công trong thời gian ngắn.
    Thứ ba là các sự kiện được tổ chức ở những vùng “đất thiêng” những danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá nổi bật của xứ Thanh: Hàm Rồng, Sầm Sơn, thành nhà Hồ, Lam Kinh. Lễ dâng hương Khai mạc được tổ chức tại núi Hàm Rồng, mọi người biết đến cầu Hàm Rồng với chiến thắng oai hùng, nhưng ít ai để ý, ngôi làng nhỏ Đông Sơn ven núi Hàm Rồng, nơi chúng ta làm lễ dâng hương là nơi đầu tiên phát hiện và vinh dự đặt tên cho nền văn minh rực rỡ nhất của dân tộc Việt: Văn minh Đông Sơn. Thành nhà Hồ, Lam Kinh là những công trình Kiến trúc tiêu biểu, độc đáo, trong ý tưởng xây dựng cũng như biện pháp tổ chức thi công là niềm tự hào của nền Kiến trúc cha ông để lại. Xứ Thanh đưa các bạn đến với những giá trị văn hoá truyền thống nhất của mình, đó là niềm tự hào lớn của chúng tôi.
    (KV): Anh có lời nhắn nhủ gì cho CLB KTS Trẻ Thái Nguyên, đơn vị tổ chức đăng cai Liên hoan KTS trẻ lần VII ?
    (LHN): Vinh dự được thay mặt anh em làm nghề kiến trúc cả nước tổ chức hội tụ giao lưu của anh chị em làm nghề. Việc đầu tiên là tập hợp anh chị em Kiến trúc sư trong tỉnh cùng chung tay vì việc chung. Thanh Hoá làm rất tốt vấn đề này và làm rất sớm, nên khi có việc, anh chị em cùng xúm tay vào, mỗi người một việc, cùng chung niềm đam mê nhiệt huyết, làm việc vô tư, chủ động.



    ...chung niềm đam mê nhiệt huyết, làm việc vô tư, chủ động.......chung niềm đam mê nhiệt huyết, làm việc vô tư, chủ động....
    Mặt khác, sự phối hợp với các cơ quan Ban ngành, các Tổ chức đoàn thể chính trị xã hội địa phương phải được vào cuộc ngay từ bây giờ. Để khi có những vướng mắc thì có hướng tháo gỡ. Việc tìm kiếm các nguồn tài trợ thông qua nhiều kênh, phân thành các mảng như: Khối đơn vị tư vấn; khối các doanh nghiệp thi công xây lắp; khối các doanh nghiệp sản xuất VLXD, các nhà phấn phối..... và giao cụ thể cho từng người phụ trách. Việc tìm kiếm nguồn tài trợ là rất quan trọng và rất khó, ảnh hưởng đến những kế hoạch sau này.
    Ngoài ra nên đấu mối các đơn vị cung cấp dịch vụ, đơn vị tổ chức sự kiện, có ký kết ghi nhớ đàng hoàng, lưu ý vấn đề thanh toán chậm để mình chủ động trong công tác thanh toán sau này. Mời các đơn vị này tham gia các hoạt động của anh em KTS Trẻ từ nay đến khi tổ chức để kiểm tra năng lực thực sự của họ. Thanh Hoá cũng đã làm điều này, qua đó sàng lọc nhiều đơn vị không đủ năng lực cung cấp dịch vụ, năng lực tổ chức, đồng thời, các đơn vị được chọn cũng hiểu về sự kiện, về chất của Kiến trúc sư để tham mưu cho mình cách tổ chức phù hợp.



    KTS Lê Hồng Nguyên và Bà xãKTS Lê Hồng Nguyên và Bà xã - Ảnh(c)KTS Bùi Thịnh
    Xây dựng khung kịch bản ngay từ bây giờ và luôn điều chỉnh phù hợp trong suốt thời gian từ nay đến khi diễn ra sự kiện. Kịch bản chung bên cạnh các tiết mục chuyên nghiệp mở đầu, nên tập trung vào các tiết mục do anh em Kiến trúc sư Thái Nguyên thể hiện, để kỳ liên hoan thể hiện được đậm chất Kiến trúc nhất.
    Công tác tuyên truyền quảng bá về sự kiện, về đất và người Thái Nguyên, về phong trào Kiến trúc sư Trẻ Thái Nguyên với chính người dân Thái Nguyên cũng như bạn bè cả nước. CLB KTS Trẻ Thanh Hoá 2 năm qua tổ chức hàng loại các hoạt đông xã hội rất hiệu quả, thường xuyên giao lưu với anh chị em KTS các tỉnh, tổ chức các chương trình từ thiện “chia sẻ hơi ấm” hàng năm có hiệu ứng rất lớn ở địa phương...
    Và cuối cùng, phải có một “thằng điên thứ 7” phải có một KTS Trẻ đam mê, nhiệt huyết, dám hi sinh lợi ích cá nhân. Tập hợp anh em, lăn xả, trăn trở với các ý tưởng tổ chức vì sự thành công chung của Liên hoan.
    Với những kinh nghiệp vừa trải qua, anh chị em KTS Thanh Hoá luôn sẵn sàng sát cánh bên cạnh Thái Nguyện cho một kỳ Liên hoan với nhiều ý tưởng mới đậm chất Kiến trúc sư, ấm tình đồng nghiệp.
    (KV): Cảm ơn anh đã tham gia buổi phỏng vấn với Kienviet.net, chúc anh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp !
    Thực hiện: KTS Thái Linh

    Chuyến phượt trên lưng ngựa từ Hà Nội tới Đà Nẵng của một Tổng thống Pháp

    Nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới đã tới Việt Nam để khám phá vẻ đẹp của đất nước chúng ta. Nhưng ít người biết, một chính trị gia từng làm tới chức Tổng thống Cộng hòa Pháp, đã có chuyến đi dã ngoại suốt từ Hà Nội vào Đà Nẵng trên ngựa trong một tuần!
     Cầu Paul Doumer (Long Biên) của Hà Nội thời thuộc địa.
    Người đó là ông Paul Doumer (1857-1932), Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897-1902, sau là Tổng thống Pháp từ 1931-1932. Ông tiến hành chuyến đi nói trên, mà bây giờ giới trẻ hay gọi là “đi phượt”, tức là đi tự túc, vì mục đích khám phá, không cần tiện nghi, khi mới sang Đông Dương nhậm chức chưa lâu.
    Ông Doumer là chính trị gia thuộc nhóm cấp tiến tại Paris. Xuất thân trong gia đình lao động, ông tốt nghiệp cử nhân Toán học, sau đó lấy thêm bằng Luật rồi trở thành chuyên gia tài chính. Ông cũng là nhà báo. Năm 1895, ông là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ thủ tướng Léon Bourgeois. 
    Ông là người đưa ra đề nghị đánh thuế lợi tức để chính phủ có thêm tiền, đụng chạm đến quyền lợi của giới tư bản, nên các đại diện của giới tư bản trong quốc hội bác đề nghị, nội các sụp đổ. Sẵn dịp Toàn quyền Đông Dương Armand Rousseau chết vì bệnh kiết lị, chính phủ đề xuất ông sang thay thế, ông nhận lời. Lúc đó, Doumer mới 38 tuổi, để lại 5 người con đang học tập tại Paris. Sau này trong chiến tranh thế giới thứ nhất, 4 người con của ông đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ nước Pháp.
    “Ngựa sải thẳng đét”
    Câu chuyện về chuyến đi suốt từ Bắc vào Trung của viên Toàn quyền được ông ghi lại trong cuốn hồi ký L’Indochine Française (Souvenirs) kể lại đoạn đường 800 km mà ông cùng người tùy tùng, thiếu tá Nicolas, trải qua (từ trang 232 đến 236). (Nhà xuất bản Vuibert & Nony, Paris in năm 1903. Đã được học giả Vương Hồng Sển dịch lại một số phần đăng trong cuốn di cảo “Dỡ mắm”, NXB Trẻ, 2014).
    Thực ra không phải ông đi “phượt” vì thú du sơn ngoạn thủy. Ông đi vì công việc. Là người mê mải với các công trình khai thác bản xứ, là ông muốn tự mình xem xét địa thế để xây dựng con đường xe lửa liên Đông Dương.
    “Vào mùa khô ráo trên đất Bắc (Tonkin), tức tháng Giêng, tháng Hai dương lịch, có một lần tôi thử cưỡi ngựa chạy từ Hà Nội xuống đến Đà Nẵng, đường dài độ tám trăm cây số”, ông viết. “Ấy là tôi muốn tận mắt xem xét lấy phong cảnh và địa hình địa thế những nơi nào thuận tiện để đặt con đường sắt, phóng tàu hỏa xuyên Đông Dương, trước khi các kỹ sư chuyên môn dâng đồ án thiết kế cho tôi sau này. Tôi không cần nghi lễ đón tiếp long trọng, không cần cờ xí, kèn trống và tiệc tùng linh đình. Hành lý của viên võ quan hộ vệ của tôi, chỉ thu gọn lại trong một cái túi da (serviette) treo bên hông ngựa là đủ”.
    Ông Doumer chỉ cần các quan Nam triều sắp đặt sao cho mỗi dịch trạm có ngựa khỏe thay cho ngựa mỏi, vài tên quân lính biết săn sóc ngựa và rành rẽ đường sá để chỉ dẫn nếu cần.
    Chắc rằng từ sơ khởi, các nhà cai trị Pháp đã nhắm hướng tuyến xe lửa vòng từ Phủ Lý xuống Nam Định, khi ông Doumer kể rằng: “Cho ngựa phi nước đại suốt Nam Định qua Ninh Bình, trải qua các tỉnh lị từ Thanh Hóa đến Nghệ An, có dừng chân vài chỗ để xem xét những vị trí nên đặt đường xe lửa sau này. Nhờ khí trời mát mẻ, phong cảnh quang đãng, ngựa sải thẳng đét, chạy được suốt ngày đến cả trăm cây số mà không biết mệt”.
    Ông mô tả khá kỹ lưỡng khí hậu ở các vùng đất đi qua: “Qua đến địa phận Hà Tĩnh thì trời đổi khác. Hết nắng tới mưa dạt dào. Đã có mươi phen, chúng tôi phải dùng đến chiếc áo mưa che bằng cao su, nhưng hễ tạnh đôi chút thỉ phải cởi, vì áo nặng trĩu trên vai khó chịu. Mặc dù vậy, nhờ đất cứng, ngựa chạy không lún móng, nên vẫn phi được nước đại như thường”.
    Ướt như chuột lội
    Qua những dòng nhật ký của Doumer, chúng ta cũng mới hình dung phong cảnh đèo Ngang hồi cuối thế kỷ 19: “Đến dãy Hoành Sơn (Portes d’Annam) tức cửa ải để vào mấy tỉnh miền Trung, chúng tôi phải xuống ngựa đi bộ, leo triền núi dốc như thang đứng, tay nắm chặt sợi cương dắt ngựa, chân bước gập ghềnh, trời thì mưa tầm tã, rồi lại phải nương tay dắt ngựa xuống dốc, rồi gặp cả một vùng cát lún, nhưng cũng không có gì là khổ cực cho lắm.
    Tuy nhiên, qua khỏi dãy Hoành Sơn thì khí hậu không còn như khí hậu xứ Bắc. Mưa ôi là mưa, nước ôi là nước. Nước từ trên trời rơi xuống, nước từ trong không khí thấm vào, nước từ dưới đất xông lên. Mưa như xối, mưa không dứt hột, mưa đầy đồng, đất mềm lún, nước chan hòa, ngựa không thấy đường... Khe rạch đều ngập.
    Chưa đầy một giờ đi dưới cơn mưa trút nước này, những áo caosu của chúng tôi, tuy là thứ áo chắc chắn, chế tạo từ bên Pháp, đều thấm nước trở nên vô dụng. Nước mưa thấm vào vai, ướt dần vào, áo nỉ, áo lót đều ướt rượt, và từng giọt từng giọt, nước mưa chảy vào giày ống, biến nó thành “ống chứa nước”, hết còn là giày!
    Tội nghiệp cho đôi ngựa, thấy nặng, chở thêm, rồi thấy thêm nặng vì đất thêm mềm, chân ngựa chạy lún, đất trở nên sình lầy, giữ chân ngựa lại”.
    Đến thị xã Đồng Hới, trời vẫn mưa không ngớt, hai thầy trò nghỉ ngơi một giờ tại nha môn dinh Công sứ Quảng Bình, có cơm no, có lửa hơ sau lưng làm quần áo bớt ướt, rồi lại từ giã lên đường. Các khe suối đều tràn ngập, ngựa lội nước, ngập tới ức ngựa rồi tới bộ yên, khiến hai người “ướt như chuột lội” không còn chỗ nào có thể ướt thêm nữa. Sự mệt mỏi thể hiện qua từng dòng nhật ký:
    “Chúng tôi cũng đã đi đến nước không còn thiết tha đến sự gì nữa, cũng không cần kéo chân lên, khi ngựa lội qua chỗ cạn cũng không cần tránh lúc ngựa làm nước văng tung tóe. Đến lúc hoàng hôn, chúng tôi đến một ngôi chùa dự định là nơi tá túc đêm này và cũng là nơi thay hai ngựa. Nhưng chỉ trơ trọi hai giường chõng bằng tre, vạt giường cũng bằng tre, chùa thì vách phên không có, trống trơn một nóc. Trời lạnh ở mức 8-10 độ, có thể ngủ lại trong bộ quần áo ướt rượt này không?”.
    Vậy là hai thầy trò chỉ dừng chân nghỉ, rồi tiếp tục lên đường, vì tính toán khi ngựa chạy, máu huyết trong người cũng vận động, nên tuy dầm mưa, vẫn ấm người hơn.
    Thầy trò ông Doumer đi suốt đêm không ngừng, tin cậy người lính An Nam đưa đường nói rằng biết đường rành rẽ. Hai ngựa cứ phi nước đại theo chân người lính trong màn đêm huyền bí, cho tới khi tới một nơi nghỉ chân mà theo dự kiến sẽ nghỉ vào sáng hôm sau. May là ngựa mới để thay đã có sẵn. Một chuyện đáng chú ý là khi người lính dẫn đường loay hoay chọn lối tại một ngã ba, nhiều dân làng (được báo trước là có quan lớn đi qua) đã đốt đuốc đưa đường dẫn quan Toàn quyền đi đến chốn. Khi tới trạm nghỉ, ông Doumer tặng họ mấy đồng bạc, họ đều lấy làm ngạc nhiên khi ông quan Tây to nhất xứ Đông Dương không những chịu dầm mưa dãi nắng mà còn đối xử tử tế với người phục dịch.
    Đến một bến sông, cây cầu bị nước dâng ngập, trời tối không nhìn rõ, phải nhờ người vào làng tìm thuyền, ông tìm đến một túp lều sẵn có đống lửa.
    Những dòng nhật ký cho thấy ông Doumer đúng kiểu là người rất thích hợp với các chuyến đi “bụi”, không nề hà chuyện thiếu tiện nghi:
    “Tôi kéo lại gần nửa một cái ghế băng làm bằng cây tạp, bề ngang độ hai gang tay, rồi nằm trên băng ghế, quay mặt vào lửa. Ôi, nó êm khoái làm sao. Thật là sung sướng, hạnh phúc tràn trề... Tôi trở mình trên băng, cái băng vừa chật hẹp, tôi cố giữ thăng bằng rồi ngủ vùi lúc nào không hay.
    Tôi dám khuyên các vị khách lữ hành, một khi đã chán chê với cảnh cực lạc nhung lụa của các nước văn minh, xin hãy nếm thử cảnh đìu hiu cô quạnh như tôi hôm nay vậy, họa may mới biết thú”.
    Chiều hôm đó, thầy trò Doumer đến Huế, đồ hành lý chuyển theo tàu thủy đã đến nơi trước. Sau bữa tiệc chiêu đãi của Khâm sứ Trung kỳ, sáng hôm sau, thầy trò lại lên ngựa, chạy miết đến ba giờ chiều, hết quãng đường dài 110km đã sửa sang tốt đẹp, nối liền thành phố Huế, vượt đèo Hải Vân qua thành phố Đà Nẵng.
    Như vậy, quãng đường 800km từ Hà Nội vào Đà Nẵng, ông Doumer cưỡi ngựa đi hết đúng một tuần.
    Một người liêm khiết và không vụ lợi
    Tuy là người thay mặt nước Pháp cai trị cả 3 nước Đông Dương, nhưng ông là người không thích lễ nghi quan cách. Như lần triều đình Huế tiễn ông chính thức từ kinh đô vào Đà Nẵng để lên tàu đi công cán, cử phụ chánh đại thần Nguyễn Thân (ông viết “nhân vật đứng thứ 3 trong triều đình”) cùng đoàn tùy tùng võng lọng kèn nhạc hộ giá, với nghi lễ như của nhà vua tuần du, thì ông cùng sĩ quan tùy tùng quất ngựa chạy thẳng vào Đà Nẵng trước, để đoàn quân triều đình dễu dện khiêng võng che tàn cho viên lính thủy đánh giày phục vụ Toàn quyền tên là Picard!
    Paul Doumer là người để lại rất nhiều công trình có giá trị về nhiều mặt cho Việt Nam, như Viện Viễn đông Bác cổ, lập Trường Cao đẳng ở Hà Nội để học sinh không còn phải qua Trung Quốc học. Năm 1901, ông đã đến Đà Lạt và quyết định chọn nơi đây thành đô thị nghỉ mát cho người Pháp tại Đông Dương và tài trợ cho bác sĩ Yersin xúc tiến việc thành lập thành phố.
    Ngoài ra ông còn là người rất chú trọng công tác xây dựng các công trình hạ tầng. Cùng với đường sắt xuyên Việt, ông còn để lại ba cây cầu ở ba miền là cầu Long Biên (sau được gọi tên là cầu Doumer), cầu Tràng Tiền, và cầu Bình Lợi cho xe lửa chạy ở Sài Gòn. 
    Ngoài ra, nhiều cây cầu khác cũng xuất hiện trong thời kỳ trị nhậm của ông như ở Hải Phòng, Hải Dương, Việt Trì, Lào Cai, cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Ông cũng là người chủ trương mở mang cảng Hải Phòng và xây dựng tuyến đường sắt lên Vân Nam để khai thác tài nguyên. Báo chí Pháp đã mỉa mai gọi ông là “người theo chủ nghĩa đường sắt”.
    Ở miền Nam, năm 1901, ông còn cho khởi công con đường đá từ Sài Gòn đi Tây Ninh để thông thương với Campuchia. Tuy nhiên, để có tiền phục vụ các công trình này, ông cũng cho tăng các thứ thuế, khiến dân chúng rất khổ cực.
    Quan lại triều đình Huế coi ông Doumer là người rất hách. Sách sử cho biết các quan trong triều nghĩ mãi mới ra cách phiên âm tên ông sang âm Hán Việt là “Đô Mỹ đại nhân”. Các sử gia Pháp cũng cho biết là người rất cố chấp, cả đời ông đối nghịch với Paul Blanchy, Hội trưởng Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Ông Blanchy suốt đời bênh vực cho quyền lợi của xứ Nam Kỳ, còn Doumer thì đem hết quyền hành để đem lợi ích cho xứ Bắc. Khi Blanchy chết, ông Doumer tuy đang ở Sài Gòn nhưng không đến dự đám tang, cũng không cử người thay mặt đến đưa tang!
    Henri Lamagat, tác giả cuốn Souvernirs d’un vieux Journalistre Indochinois, có nhận xét ông Doumer là “một nhân vật vĩ đại của nước Pháp và của thuộc địa Pháp, liêm khiết và không chút vụ lợi”. Ông Lamagat cho rằng ông Doumer chỉ có một lỗi duy nhất là chỉ chú tâm vun vén cho đất Bắc mà không bỏ phần cho đất Nam.
    Từ năm 1902, sau khi về nước, ông lại sôi nổi tham gia hoạt động chính trị, cùng với Giám quốc Raymond Poincare và Thủ tướng Clémenceau xây dựng lại nước Pháp sau thế chiến thứ nhất. Từ chức Chủ tịch Thượng viện, ông được bầu làm Tổng thống Pháp năm 1931, là tổng thống thứ 14 của Cộng hòa Pháp. Tuy nhiên, ngày 6.5.1932, Paul Doumer bị một gã tâm thần người Nga tên là Gorguluff bắn, và qua đời vào ngày hôm sau, lúc đó ông 75 tuổi.
    Là con của một công nhân đường sắt, những công trình đường sắt mà ông Doumer khởi tạo trên đất Việt Nam hơn 100 năm qua, đến nay vẫn còn có giá trị lớn trong nền kinh tế nước ta!
    (LAO ĐỘNG ONLINE)

    Những tiêu chuẩn thiết kế dùng trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, ME


    Các bạn tải về tại đây

    Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

    Nghệ An sắp xây trung tâm hành chính cho khoảng 2.000 người làm việc

    Phối cảnh khu hành chính tập trung tỉnh Nghệ An, trong đó thể hiện rõ cổng chính sẽ hướng ra vòng xuyến nơi giao nhau của 5 trục giao thông huyết mạch ở TP. Vinh. 

    UBND tỉnh Nghệ An vừa có buổi làm việc với đối tác nhằm xem xét phương án quy hoạch sơ bộ khu hành chính tập trung cho các sở, ngành. Dự kiến, một trung tâm hành chính với không gian cho gần 2.000 cán bộ nhân viên làm việc sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

      Sáng 13.7, nguồn tin từ Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tỉnh vẫn đang trong quá trình xem xét các phương án.

      Phương án quy hoạch sơ bộ đã chọn khu đất tiếp giáp Đại lộ Lê Nin (TP. Vinh) và vòng xuyến Lê Hồng Phong – Đại lộ Lê Nin, rộng chừng 3,77 ha để xây dựng khu hành chính tập trung. Vị trí này gần các công sở quan trọng như UBND tỉnh, tỉnh ủy, công an tỉnh,... và tiếp giáp với các trục giao thông huyết mạch của TP. Vinh.

      Theo quy hoạch sơ bộ, trung tâm hành chính Nghệ An sẽ bao gồm các khối tiếp dân, khối hội trường – phụ trợ, quảng trường, cây xanh, mặt nước... Riêng khu hành chính dự kiến sẽ là nơi làm việc của khoảng gần 2.000 cán bộ nhân viên.

      Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có tờ trình số 1286 ngày 8.4.2013 về việc xin chủ trương đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung các sở ngành gửi Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4643 ngày 10.6.2013 về chủ trương đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung các sở ngành cấp tỉnh Nghệ An.

      Theo -Báo lao động

      HỌC KIẾN TRÚC: NHIỀU ĐIỀU CẦN BÀN LUẬN


      Đất nước mở cửa, công cuộc hội nhập, những cuộc thi kiến trúc mang tới những cơ hội cho chúng ta cọ xát với những bạn bè đồng nghiệp quốc tế. Tính cho tới nay tỷ lệ thắng cuộc vẫn nghiêng về phía bạn, điều đó ai cũng biết.
      Nhưng tại sao chúng ta thua cuộc, những nguyên nhân nào gây ra những sự thất bại. Nếu chúng ta không tìm ra những nguyên nhân đó để quyết tâm khắc phục và sửa chữa, thì không bao giờ hy vọng trở thành người chiến thắng.
      Cũng như để hiểu rõ một căn bệnh, bao giờ chúng ta cũng phải trở về cội nguồn của sự việc. Nguồn gốc phát triển tri thức của con người bắt đầu từ hệ thống giáo dục. Hơn bao giờ hết, vai trò của trường học sẽ là sự quyết định quan trọng cho sự phát triển tư duy của mỗi cá thể. Trường học là nơi tập cho con người biết lý luận để bảo vệ lý tưởng cá nhân để rồi sau đó đóng góp cho tập thể. Trường học là nền móng định hướng phát triển suy nghĩ tạo nên tri thức. Với sự quan trọng của trường học như vậy, cho nên nó đã trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của tất cả các nước tiên tiến. Nhưng sự quan trọng này cũng sẽ là một mối nguy hiểm, vì ở trường học nếu định hướng sai sẽ mang lại hậu quả khôn lường.
      Bản vẽ thiết kế cho nhà hát “Un théâtre pour une ville de second ordre” năm 1885 của KTS Frédéric de Morsier (người Thuỵ Sĩ) khi ông còn là sinh viên của trường cao đẳng Mỹ thuật quốc gia Pháp. Thiết kế kiến trúc cổ điển thế kỷ 19 luôn tìm đến sự đối xứng và đứng biệt lập trong đô thị. Các kiến trúc sư chỉ tập trung vào hình thức của một công trình riêng lẻ.
      Thi tuyển kiến trúc
      Để nói tới trường kiến trúc, đầu tiên phải nói tới việc thi tuyển. Muốn thi đỗ vào các trường kiến trúc nước ta thì môn vẽ được coi như môn quyết định. Nó trở thành tiền đề quá rõ ràng cho những học sinh muốn học ngành này. Ai vẽ dở thì không bao giờ hy vọng đặt chân tới nơi đây. Và một điều rất hiển nhiên khi đặt câu hỏi “tại sao chọn ngành kiến trúc?” cho các sinh viên đang theo học, thì chắc chắn câu trả lời sẽ là “chọn ngành kiến trúc bởi vì thấy mình vẽ đẹp”.
      Đây có lẽ là sự sai lầm lớn nhất cho ngành kiến trúc của nước ta hàng chục năm nay. Kiến trúc là một trong những ngành học phải có được sự tư duy cao nhất. Chúng ta không thể lấy vẻ đẹp của hình vẽ là mức thang giá trị khi chọn lựa một sinh viên kiến trúc. Có biết bao nhiêu học sinh yêu thích ngành này nhưng có lẽ chỉ vì mặc cảm vẽ không được đẹp nên đành phải từ bỏ giấc mơ. Và cũng rất nhiều người khác có thể vẽ đẹp nhưng tư duy lại không có gì sâu sắc cả. Không thể coi kiến trúc sư là những người thợ vẽ! Chỉ cần lấy một ví dụ nhỏ, Le Corbusier là kiến trúc sư vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, nhưng những hình vẽ của ông không hề đẹp tí nào. Chúng chỉ vừa đủ truyền tải ý tưởng của người thiết kế.
      Ở châu Âu, muốn học kiến trúc không phải thi vẽ. Ví dụ như ở Thuỵ Sĩ, các học sinh khi trúng tuyển vào các ngành học tự nhiên (khối A) được tự do lựa chọn để trở thành kỹ sư hay kiến trúc sư như mình mong muốn. Tất nhiên học sinh khi chọn ngành kiến trúc là những người đã có những “cảm nhận” thiên hướng về nghệ thuật. Và cho tới thời điểm vào trường, họ có thể hoàn toàn không biết vẽ. Cũng phải nói thêm rằng ở Thuỵ Sĩ thi đỗ vào trường đại học đã là một chuyện khó, nhưng để tồn tại được cho đến khi tốt nghiệp còn khó hơn rất nhiều. Học sinh phải có được sự đam mê rất lớn cho ngành học của mình thì mới có đủ sức mạnh “tâm lý” vượt qua được khoảng thời gian nhiều thử thách nặng nề ở trường.
      Kiến trúc là sự tổng hợp giao hoà của nghệ thuật và kỹ thuật, nên nhiều nước khi thành lập ngành này thường gắn nó hoặc vào trường mỹ thuật hoặc ở trường bách khoa. Ngành học kiến trúc ở nước ta bắt đầu được hình thành tại trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1927 do người Pháp sáng lập nên. Cũng dễ hiểu vì họ rập khuôn theo mô hình giảng dạy tại Pháp lúc bấy giờ với khuynh hướng kiến trúc là một trong những ngành nghệ thuật cơ bản cùng với hội họa và điêu khắc. Trường cao đẳng Mỹ thuật quốc gia (École nationale supérieure des Beaux-Arts) của Pháp đặt tại Paris đã nổi tiếng khắp thế giới một phần cũng bởi sự đóng góp của khoa kiến trúc trước kia ở đây. Hệ thống giảng dạy ở khoa này trở thành mô hình lý tưởng ở thế kỷ 19 và được người Mỹ rất sùng bái nên đã du nhập sang nước này vào năm 1860. Khi kiến trúc được coi như một ngành nghệ thuật thì việc thi vẽ vào trường là một điều gì đó rất tự nhiên. Đây cũng là một thể thức thi cử rất đặc trưng của nước Pháp và được giữ trong một thời gian dài.
      Bài tập vẽ trên lớp học của KTS Frédéric de Morsier. Kỹ thuật vẽ sử dụng bút chì và dựa theo mô hình bằng thạch cao. Các hoạ tiết trang trí là một trong những mối quan tâm chính của các kiến trúc sư theo trường phái kiến trúc cổ điển thế kỷ 19.
      Vào năm 1968 đã có một cuộc cải cách lớn cho ngành giáo dục kiến trúc tại Pháp. Kiến trúc tách khỏi mỹ thuật và thành lập hệ thống trường riêng rẽ. Từ đó cuộc thi vẽ vào trường không còn tồn tại. Sự thay đổi này là lý do chính đáng vì giáo dục kiến trúc theo kiểu mỹ thuật (Beaux-Arts) rất phù hợp cho kiến trúc cổ điển ở thế kỷ 19, nhưng mô hình này không thể tiếp tục cho sự phát triển rất nhanh và đa dạng của kiến trúc ở thế kỷ 20.
      Với kiến trúc cổ điển ở thế kỷ 19, công trình được tập trung chủ yếu vào hình thức, cho một vật thể riêng biệt. Nhưng ngày nay kiến trúc nói tới văn hoá toàn cầu, chịu ảnh hưởng trực tiếp của xã hội thay đổi từng ngày, phải giải được bài toán nan giải của đô thị và sự thay đổi nhiệt độ của trái đất. Nó ngày càng phụ thuộc rất lớn trong nước cờ chính trị và bài toán kinh tế của từng quốc gia. Hơn nữa, người kiến trúc sư còn phải trau dồi cho bản thân những kiến thức bổ trợ từ nhiều ngành nghệ thuật, kỹ thuật cũng như design. Chưa kể còn phải am hiểu về triết học và tâm lý học. Chưa bao giờ kiến trúc trở nên phức tạp và đa dạng như vậy. Hình thái của một công trình kiến trúc nhiều khi chỉ là “hệ quả” đến từ những yếu tố đó. Học sinh muốn học kiến trúc là phải hiểu sâu sắc những điều đó chứ không chỉ hài lòng thấy mình vẽ đẹp là có thể học được ngành này. Hơn nữa, ngày nay với sự trợ giúp của máy tính thì vấn đề vẽ trở nên đơn giản hơn nhiều, nó trở thành một thứ rất phụ.
      Văn hoá kiến trúc
      Sau các cuộc thi kiến trúc, các kiến trúc sư nước ta thường đưa ra chung một lời nhận xét về các đồ án của các bạn đồng nghiệp quốc tế. Đó là tính sâu sắc trong tư tưởng thiết kế. Vậy tính sâu sắc đó đến từ đâu?
      Kiến trúc sư giỏi là người có được trong mình một nền “văn hoá kiến trúc”. Và cái nền “văn hoá kiến trúc” đó cũng bắt đầu đến từ trường học bởi hai môn lịch sử kiến trúc và lý thuyết kiến trúc. Con người sống không thể quên đi lịch sử. Lịch sử là một tố chất của tinh thần, giúp con người tiến xa hơn trong công cuộc phát triển tri thức. Nó là niềm tự hào mang tới cho con người lòng tin yêu về nguồn cội của mình. Nó là một trong những yếu tố chính tạo ra văn hoá. Nhiều trường kiến trúc ở châu Âu thấy được sự quan trọng của hai môn học này nên đã thành lập hẳn một khoa riêng cho chúng. Và đây là hai môn học luôn thu hút đông đảo sinh viên nhất. Nhiều khi còn có những sinh viên ở trường khác đến tham dự để nâng cao hiểu biết văn hoá của mình. Khi đã tạo được trong mình cái nền “văn hoá kiến trúc” rồi, người kiến trúc sư có thể làm việc tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.
      Mặt tiền công trình “Centre de Compétences DYM” (Thuỵ Sĩ, 2007) được tổ hợp bởi một loạt các tấm bêtông đục lỗ. Mỗi phần tử mặt tiền được thiết kế như một đồ vật design. Sự áp dụng đồ vật design trên tỷ lệ lớn của kiến trúc.
      Nhưng một điều rất trớ trêu là ở Việt Nam, sinh viên kiến trúc luôn muốn lảng tránh hai môn học này, đặc biệt là môn lịch sử kiến trúc. Điều này đến từ thể thức thi cử, học sinh khi biết mình thi vào khối nào thì chỉ tập trung học những môn thi vào khối đó. Vì vậy môn lịch sử đã không được trân trọng bởi những sinh viên thi khối A ngay từ ở trường trung học. Điều đó đã trở thành một thói quen rất tai hại ảnh hưởng trực tiếp khi học lên đại học. Hiện nay các sinh viên mới ra trường có bao nhiêu người thuộc lịch sử kiến trúc Việt Nam, chưa cần nói đến lịch sử kiến trúc thế giới? Nếu chúng ta còn chưa biết được chúng ta là ai thì không bao giờ hy vọng nói tới hai chữ “truyền thống”.
      Nhưng cũng phải nhìn nhận sự việc theo những khía cạnh khác. Khi học sinh có thói quen xấu này nhưng nếu môn học thực sự hấp dẫn thì vẫn có thể lôi kéo được đông đảo sinh viên. Do đó vai trò của người thầy giáo rất quan trọng trong những trường hợp như vậy. Thầy giáo có thể giỏi, nhưng cách truyền đạt của họ tới sinh viên có hay không. Những tài liệu hướng dẫn có rõ ràng và còn thực tế không. Những hệ tư tưởng mà thầy giảng trên lớp có đến từ những công trình nghiên cứu của thầy hay không. Những công trình quan trọng mà thầy chỉ dẫn đã bao giờ thầy đặt chân tới chưa. Thầy giáo của chúng ta có một “bia đỡ đạn” rất hiệu nghiệm khi trả lời những câu hỏi khó là với mức lương ít ỏi thì giảng dạy như thế cũng đã là cố gắng lắm rồi. Cuộc sống của chúng ta đã nảy sinh một thói quen, khi có vấn đề gì thì học sinh đổ tại thầy giáo, thầy giáo lại đổ tại xã hội. Vậy thì xã hội biết đổ cho ai? Chúng ta đã đánh đổi gần như tất cả để có một xã hội như thế ư?
      Còn một khía cạnh quan trọng khác nữa để trau dồi “văn hoá kiến trúc”, đó là đọc sách. Sinh viên khi bước chân vào đại học là phải biết đây là nơi để nghiên cứu, nên phải có được tính tự lập rất lớn. Những bài giảng trên lớp của thầy chỉ mang tới 30% sự hiểu biết cho mình, ngoài ra phải tự đọc sách rất nhiều để tích luỹ kiến thức. Đây là vấn đề rất khó khăn cho đất nước chúng ta từ nhiều năm nay với sự thiếu thốn trầm trọng sách quý. Sách giảng dạy ở trường thường theo tiêu chuẩn của Liên Xô cũ, nhưng nước Nga đã từ lâu không còn là nước điển hình cho lĩnh vực giảng dạy nữa. Khi không có sách thì dẫn tới việc sinh viên không có thói quen đọc sách. Có nhiều người sau năm năm học không biết mặt mũi thư viện trường mình như thế nào. Nhiều trường của chúng ta ngày nay mở rộng và xây to, nhưng nếu không có một thư viện đầy đủ thì chất lượng học sinh cũng không thể vươn lên được.
      Nội thất cửa hàng đồng hồ “Breguet” của Thuỵ Sĩ. Cách sử dụng vật liệu thiết kế đèn trần cũng được ứng dụng cho vật liệu tường ngăn đã tạo ra mối liên hệ giữa đồ vật design và phần tử kiến trúc.
      Đồ án kiến trúc
      Thiết kế đồ án kiến trúc là môn trọng tâm ở trường kiến trúc. Đây là môn học đòi hỏi khả năng tư duy rất lớn của người sinh viên. Ngoài những ứng dụng lý thuyết bổ trợ từ những môn học khác, người sinh viên phải có cách nhìn nhận sự việc theo kinh nghiệm sống của mình. Để có được một đồ án hay, người thiết kế phải có được cái nhìn tổng quát trên mọi lĩnh vực. Đây là môn học mà người sinh viên không thể trông chờ vào lời giải của thầy giáo. Họ chỉ là người dìu dắt và định hướng những ý tưởng mà sinh viên đề cập đạt tới những giá trị tốt nhất có thể.
      Đồ án kiến trúc phải mang tính thực tiễn lớn, vì đây là bước chuyển tiếp từ lý thuyết sang thực hành. Lý thuyết dù có hay đến mấy nhưng không ứng dụng được thì cũng không mang lại kết quả tốt. Lý thuyết và thực hành phải luôn song hành và bổ trợ lẫn nhau. Cái nọ trở thành bài học của cái kia. Trong rất nhiều năm, những công trình của đồ án sinh viên kiến trúc nước ta thường được đặt trên một mảnh đất trống trơn, thiếu vắng hoàn toàn bộ mặt đô thị. Các sinh viên chỉ tập trung duy nhất vào hình thức của công trình. Đây là một trong những câu trả lời cho sự lộn xộn ở các đô thị nước ta với kiến trúc hoàn toàn mang tính cá nhân hoá.
      Ngày nay môn học này ở những trường kiến trúc châu Âu đều được giao cho những kiến trúc sư đã thành công trên lĩnh vực xây dựng. Họ vừa làm công tác giảng dạy vừa làm chủ các văn phòng kiến trúc. Họ là những người hiểu biết thực tế một cách sát sao nhưng đồng thời cũng rất giỏi về lý thuyết. Một lớp học có thể được chia làm nhiều nhóm với mỗi nhóm là một kiến trúc sư hướng dẫn. Việc trao đổi kinh nghiệm qua lại giữa các hệ tư tưởng tạo ra một bầu không khí kích thích sự sáng tạo không ngừng.
      Đồ án kiến trúc được đánh giá dựa trên “quá trình” sáng tác chứ không chỉ nhìn vào sự trình bày thể hiện ở lúc cuối. Đã là người thiết kế thì không ai không trải qua những đêm trắng mất ngủ, những bữa cơm ăn không ngon miệng. Chính sự dằn vặt giày vò đó trở thành tố chất quan trọng cấu thành nên tác phẩm. Chúng được minh chứng bởi hàng trăm hình vẽ phác thảo và mô hình nghiên cứu, những cái đó mới là quý giá để trình cho ban giám khảo, chứ không phải mấy hình vẽ 3D cuối cùng in trên bản vẽ.
      Đồ án kiến trúc phải được bình luận rất nhiều. Một công trình kiến trúc là kết quả đóng góp của cả một tập thể. Chỉ trong khi bình luận thì đồ án mới khai thông và phát triển được ý tưởng. Người kiến trúc sư phải có được khả năng biện luận giỏi để bảo vệ những ý tưởng của mình. Vì vậy những năm tháng học ở trường là môi trường rất tốt để thực tập những điều đó. Rất tiếc là sinh viên Việt Nam chỉ đứng biện luận duy nhất một lần trong cuộc đời sinh viên của mình khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.
      Đồ án kiến trúc phải có tính phân tích lớn. Đây là phần nghiên cứu có thể coi là quan trọng nhất trong “quá trình” sáng tác. Nếu phân tích không đầy đủ và chi tiết sẽ không thể dẫn đến một kết quả “đúng” được. Sự phân tích được nghiên cứu theo cả chiều sâu lẫn chiều rộng hướng vào đích mà người thiết kế muốn đi tới. Từ cấu trúc và lịch sử của khu vực nơi công trình sẽ được xây cho tới những công năng sử dụng trong công trình, cũng như mối liên quan văn hoá, xã hội với chủ đề đồ án.
      Tác phẩm “Les Danseuses” (Milan - Ý, 2011) là tổ hợp của một loạt đèn lồng do văn phòng thiết kế. Sự dàn cảnh của đồ vật design trong không gian tạo ra một tác phẩm nghệ thuật xếp đặt. Mối liên hệ giữa thiết kế không gian sự kiện và đồ vật design.
      Học kiến trúc không thể không nhắc tới kết cấu. Lịch sử của kiến trúc đã bắt đầu từ cách thành lập hệ kết cấu. Hơn bao giờ hết sinh viên kiến trúc phải tự tạo cho mình sự nhạy cảm về kết cấu, nên có thói quen tham khảo các chi tiết kỹ thuật cũng như những vật liệu mới. Sinh viên kiến trúc phải có được tính ham học hỏi và óc quan sát, từ những chi tiết cấu tạo nhỏ tới những cử chỉ cách sống của con người. Đặc biệt phải có được tinh thần phê bình một cách khách quan để đưa ra những chính kiến của riêng mình.
      Những ngôi nhà ở tạm dành cho người bị động đất ở thành phố Kobe, Nhật Bản năm 1995 được thiết kế bởi KTS Shiregu Ban. KTS Shiregu Ban nổi tiếng với những công trình tại Nhật cũng như trên thế giới, nhưng ông vẫn tâm huyết nhất tới những ngôi nhà làm bằng ống các tông dành cho những nạn nhân của thiên tai hay những người dân tị nạn ở các nước có chiến tranh. Kiến trúc có chất lượng cũng dành cho những người yếu thế nhất.
      Giảng viên kiến trúc
      Nghề dạy học vẫn luôn là một nghề thiêng liêng nhất. Đã là người thầy phải có được trong mình đạo đức nghề nghiệp. Vì công việc của người thầy không chỉ truyền đạt lại những kinh nghiệm bản thân mà hình ảnh của họ còn là tấm gương ảnh hưởng đến tinh thần của nhiều thế hệ. Người thầy có thể mang đến cho sinh viên rất nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê nghề nghiệp. Cái này không chỉ phụ thuộc vào trình độ mà còn vào thái độ của người thầy.
      Nước ta vẫn còn ảnh hưởng nhiều bởi truyền thống Nho học. Ở trường, người thầy quyết định tất cả, học sinh chỉ có cách ngoan ngoãn nghe theo. Thực ra thầy giáo không nên nghĩ rằng họ đến trường là người duy nhất truyền bá kiến thức, theo thực tế thì cũng nhờ vào sinh viên mà thầy nhận lại được rất nhiều. Sự nhìn nhận cá nhân theo kinh nghiệm sống của từng người luôn là bài học cho những người khác, bất kể tuổi tác và trình độ. Chỉ khi có sự trao đổi kinh nghiệm qua lại được thuận ý theo cả hai chiều thì vấn đề mới được thông sâu, và điều quan trọng nhất là dẫn đến tính dân chủ. Sự việc khi được dân chủ hoá sẽ tránh được sự áp đặt tư tưởng cá nhân nhiều khi thái quá, đặc biệt dễ xảy ra trong môi trường sáng tạo.
      Đồ án thiết kế của văn phòng Dreier-Frenzel được giải nhất năm 2010 cho một cụm khu nhà ở sinh thái tại thành phố Geneva (đang xây dựng). Để nói đến sinh thái, đồ án không sử dụng các trang thiết bị tối tân làm tiêu chí thứ nhất mà lấy mối quan hệ xã hội của con người làm trọng tâm của đồ án. Toàn bộ tầng một của cả khu vực được dành cho các không gian công cộng của cộng đồng. Ba công trình xây mới là sự hoà trộn giữa nhà ở và các dịch vụ thương mại, hoà trộn giữa người nhiều tuổi cùng thế hệ trẻ và hoà trộn giữa người có thu nhập thấp cũng như thu nhập cao.
      Ngoài tính dân chủ theo tư tưởng, còn phải nói tới tính dân chủ trong cách đối xử. Ở nhiều trường đại học tại châu Âu ngày nay, cứ sau một học kỳ thì thầy giáo đánh giá trình độ của sinh viên bằng cách cho điểm, đấy là chuyện bình thường. Nhưng ngược lại sinh viên cũng đánh giá khả năng của thầy bằng cách trả lời một loạt câu hỏi mà nhà trường định ra. Tất cả đều dựa trên một tinh thần lành mạnh, không hằn thù cá nhân. Đây là ý tưởng rất hay để người thầy có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm trong phương pháp giảng dạy của mình, tránh những trường hợp như chỉ sử dụng một giáo án trong cả cuộc đời đi dạy học.
      Giảng viên môn đồ án kiến trúc ở châu Âu là người luôn sát cánh và có trách nhiệm với sinh viên nhiều nhất. Như đã nói ở trên, họ là những người thông sâu lý thuyết và vững vàng trong thực tế. Những đồ án mà họ giao cho sinh viên luôn có tính thực tiễn lớn, phù hợp với sự phát triển của xã hội đang yêu cầu. Nhiều khi những đồ án đó còn đến từ những hợp đồng thật mà họ mang lại cho nhà trường. Đây là cơ hội rất tốt để sinh viên va chạm với xã hội bên ngoài và đặc biệt được chứng kiến một công trình từ những ngày đầu sơ khai thiết kế ý tưởng đến lúc xây dựng và hoàn thiện.
      Đồ án kiến trúc được tổ chức trong môi trường mà chúng ta hay gọi là “xưởng” (Atelier). Đây được coi như một “công ty” nhỏ, giảng viên chính có thể được phụ tá bởi một hoặc nhiều giảng viên phụ. Họ có được một số quyền hạn nhất định trong trường như tổ chức các cuộc hội thảo khi mời các chuyên gia đến trao đổi kinh nghiệm với chủ đề của đồ án. (Các chuyên gia này cũng thường được mời trong ban giám khảo chấm thi sau này). Thành lập các đề tài nghiên cứu với giảng viên phụ hay một nhóm sinh viên. Dìu dắt các sinh viên trong các cuộc thi trong nước và quốc tế. Tổ chức các chương trình tham quan các công trình tiêu biểu... Họ trở thành linh hồn của cả một tập thể, những người luôn khơi dậy tinh thần sáng tạo trong trường.
      Đất nước chúng ta mở cửa đúng vào thời đại của thông tin. Một biển trời thông tin tràn ngập. Nhưng khi nhiều thông tin quá sẽ dẫn tới bị loạn thông tin. Vậy ai sẽ là người có khả năng biết sàng lọc ra những thông tin tốt? Rồi đến vấn đề về mô hình giảng dạy, có hàng trăm mô hình hiện nay ở đủ các loại trường. Vậy phương pháp nào là tốt nhất cho người Việt Nam hiện tại? Đây vẫn luôn là câu hỏi khó trong ngành giáo dục. Để có được câu trả lời đúng hay không, nó phụ thuộc rất nhiều vào người hiệu trưởng và các trưởng khoa. Họ phải là những người có được tầm nhìn tinh tường, tìm ra được những lời giải phù hợp với trong nước mà vẫn thích ứng được với sự phát triển chung của toàn cầu trong tương lai.
      Giáo dục là một đề tài phức tạp, đòi hỏi sự đóng góp của cả một tập thể. Cũng như để một cái cây phát triển tốt, chúng ta phải biết chăm bón nó từ gốc rễ trở đi. Giáo dục là nền tảng quan trọng quyết định sự đơm hoa kết trái của kiến thức. Người viết bài cũng như mọi kiến trúc sư bình thường khác cùng mong mỏi nền kiến trúc nước nhà một ngày nào đó sẽ sánh ngang hàng với các bạn bè đồng nghiệp quốc tế. Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, đất nước chúng ta vẫn còn cơ hội để làm nên những điều kỳ diệu. Chúng ta không nên bỏ lỡ những mảnh đất cuối cùng cho những công trình kiến trúc không có ý nghĩa.
      Đồ án đoạt giải nhất cho bảo tàng Nghệ thuật quốc gia của đảo quốc Greenland và mặt tiền khu nhà “VM Houses” tại thành phố Copenhagen, được thiết kế bởi văn phòng kiến trúc BIG. Đây là văn phòng kiến trúc trẻ của Đan Mạch đang có nhiều triển vọng ở châu Âu. Họ cho rằng kiến trúc từ trước đến nay luôn được chế ngự bởi hai thái cực trái ngược. Một bên theo những tư tưởng tiên phong, nhiều khi ngông cuồng xa rời thực tế. Còn bên kia là một loạt các nhà tư vấn của các công ty xây dựng chỉ muốn tạo nên những công trình thường gặp và buồn tẻ. Thay vì để chọn bên nọ hay bên kia, họ tác động vào giữa. Kiến trúc của họ có sự tìm kiếm giữa sự không tưởng và tính thực tế, dựa trên các tiêu chí về xã hội, kinh tế và sinh thái.
      ( Còn tiếp... )
      KTS Vũ Hoàng Sơn