Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Kiến trúc sư và câu chuyện hành nghề

Điều dễ nhận ra nhất khi nói đến bệnh viện Việt Nam là hai chữ “quá tải”! Ngoài chuyện quá tải, với những người thiết kế là vô số chuyện quan trọng không kém. Thật thú vị nếu kiến trúc sư - những người quan trọng trong việc tạo dựng nên bệnh viện cùng ngồi lại với nhau, cùng nhâm nhi cắn vào cái “càn khôn” trong thiết kế bệnh viện để phân tích, góp ý… may ra sẽ góp cho đời nhiều hướng ra. 

Khó thay hai chữ tự hào!

Bệnh viện Việt Nam luôn trong tình trạng quá tải, còn với những người thiết kế, đó nhiều khi là những khó khăn tưởng không có lối thoát. Vì vậy, nếu có một mong ước nhỏ nhoi, mong rằng sau vài năm nữa khi nhắc đến bệnh viện Việt Nam, chúng ta có thể cảm thấy tự hào, nhưng e là hơi khó!

Tản mạn về chuyện thiết kế bệnh viện từ văn bản đến hiện thực. Một lần người viết có vinh dự ngồi cùng với chủ đầu tư, với Sở Xây dựng, Sở Y tế thành phố. Chủ đầu tư tiết lộ sẽ xây dựng bệnh viện chuyên khoa Nội-Sản-Nhi. Chỉ bấy nhiêu thôi mà cả mọi người có mặt có một buổi tranh luận khá thú vị. Người thì bảo có trên hai khoa phải gọi là bệnh viện đa khoa rồi, kẻ thì bảo đó là bệnh viện chuyên khoa hẹp… Cãi nhau không có… văn bản là như thế!

Thời gian gần đây có KTS khi được mời thiết kế chuyển đổi công năng chung cư thành bệnh viện thì vừa mừng vừa lo! Chuyển thế nào đây khi đã là chung cư!? Bây giờ phẫu thuật "gà" thành… "ngỗng" dễ chăng? Rồi các bệnh viện tuyến Trung ương thì quá tải trong khi các bệnh viện tuyến dưới thì vắng như… “chùa Bà Đanh”! Bác sĩ tuyến dưới sau khi được cho đi học nâng cao rời quê lên phố, phá bỏ mọi ràng buộc. Vậy thì nên chăng rải đều bệnh viện tuyến Trung ương về quê? 

Còn trang thiết bị y tế, liệu có bao nhiêu phần trăm KTS thiết kế bệnh viện am hiểu về nó để thiết kế tường tận? Thế mới sinh chuyện, có bệnh viện thiết kế xong, xây xong phải đập tường mới đưa máy móc vào được. Cái khó nữa đến từ hệ thống quy chuẩn về thiết kế bệnh viện. Có KTS nọ sáng tạo ra kiểu thang thoát hiểm mới, hân hoan đưa vào thiết kế của mình và… bị cán bộ thẩm tra chỉnh sửa cho về lại đúng tiêu chuẩn đã ban hành: “Biết cái thiết kế của Chú là sáng tạo, nhưng trong tiêu chuẩn chưa có.  Chú sửa lại thì anh mới duyệt được!”...

… Bao nhiêu vấn đề xoay quanh thiết kế bệnh viện, câu chuyện dường như mới bắt đầu!

         
         Bệnh viện bác sỹ Gia Đình Đà Nẵng, một trong những dự án thành công của PHẠM tại miền Trung

Câu chuyện thứ nhất

Năm 2008, người viết nhận thiết kế một bệnh viện tư nhân tại Đà Nẵng. Để tăng phần “long trọng” cho dự án, vị bác sĩ là Chủ đầu tư mời thêm vài vị vào Ban Cố vấn để cùng KTS bàn bạc, góp ý, chỉnh sửa phương án. Trong Ban Cố vấn có một bác là Kỹ sư xây dựng, sau khi nghe báo cáo đồ án, bác “bẻ” ngay “hai vấn đề lớn”:

- Trên mặt bằng tổng thể, KTS trình bày quá nhiều hình tượng, ý nghĩa mà tôi thấy muốn nhìn được điều này ngoài thực tế phải dùng… máy bay bay lên cao thì mới thấy được, cái này không cần thiết, nên bỏ.

- Anh là KTS thiết kế bệnh viện mà anh không hiểu gì về phim XQuang cả, máy chụp đặt một nơi, phòng tối rửa phim đặt một nơi như vậy sẽ bị “xì” sáng, hỏng phim hết thì sao? Anh phải thiết kế phòng rửa phim ngay trong phòng chụp!

Thật là khổ sở khi tác giả phải mất một thời gian khá dài để giải thích để bác hiểu và… im lặng gật đầu!!!

Câu chuyện thứ hai

Năm 200x, người viết được giao thiết kế một bệnh viện 500 giường.  Khi nộp hồ sơ thiết kế cơ sở cán bộ thẩm tra yêu cầu ba nội dung lớn phải chỉnh sửa:

- Bắt buộc trong bệnh viện phải có ramd dốc dài để chuyển băng ca khi bị cúp điện! Cái loại dốc dài ngoằng cả trăm mét từ tầng một lên tầng hai rất xưa, rất choáng diện tích và tốn kém không cần thiết, cho dù tác giả đồ án đã nêu rất rõ trong thuyết minh và cả tính toán thiết kế điện dự phòng khi có sự cố cúp điện, luôn có máy phát dự phòng và đủ tải phục vụ cấp cứu! Phải nhiều lần thuyết phục mới được chấp nhận! “Ừ thôi thì đồng ý bỏ”!

- Phải chỉnh sửa lại thang thoát hiểm cho giống trong tiêu chuẩn! Trong đồ án này, thiết kế thang chính cũng là thang thoát hiểm hình chữ U, có vế thứ hai (đáy chữ U) là dài nhất. Như vậy xem như nó chứa chiếu nghỉ! Nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn cho chiếu rộng vế thang này là 2,4m thì quá lãng phí và không cần thiết. KTS đã thiết kế chỉ 2m và dựng mô hình phim 3D khảo sát  khiêng băng ca thoát hiểm khi có sự cố hoàn toàn đáp ứng tốt. Thế nhưng khổ nỗi là “không giống” trong tiêu chuẩn, nên phải chỉnh sửa cho giống mới được duyệt! Cái thang to đùng và rất lãng phí vật liệu không cần thiết sẽ xuất hiện và tồn tại! Cái khổ là trong tiêu chuẩn không giải thích vì sao chiều rộng thang phải như vậy mà hoàn toàn như “áp đặt”!

- Khoa Sản bắt buộc phải đặt tại tầng một, không cho phép đặt tầng ba để xử lý “đẻ” kịp thời! Cho dù đã được giải thích ngay trong khoa cấp cứu đã có phòng xử lý đẻ rơi, khoa Sản đặt tầng ba cùng tầng với khoa phẫu thuật là cần thiết để xử lý mổ đẻ. Tỷ lệ “đẻ rơi” ít hơn rất nhiều tỷ lệ mổ đẻ. Loay hoay, tìm phương án tối ưu nhất, cuối cùng phải nhờ đến sự can thiệp của Bác sĩ Sản khoa thì mọi việc mới được thuận theo ý KTS.

Câu chuyện thứ ba

Tháng 6 năm 2010, trong một lần được mời đến cải tạo một bệnh viện tư nhân nọ, tác giả ngỡ ngàng vì bệnh viện còn mới tinh, chưa hoạt động. Ngạc nhiên hỏi vị Bác sĩ là Giám đốc, ông buồn buồn bảo: Thế mới đáng nói, nếu đã cũ rồi thì nói làm gì! Hóa ra bệnh viện khi xây lên rồi mới vỡ lẽ nếu không chỉnh sửa lại thì không thể hoạt động được: Phòng mổ không thể đưa băng ca vào vì hành lang hẹp và phải “ôm cua”, không thể lắp đèn mổ được vì trần quá thấp, phòng khám không có chỗ rửa tay lại bé tí xíu, trong khi hành lang chờ thì như sân vận động Thống Nhất!... Và còn rất nhiều thứ mà phải sửa chữa thì bệnh viện mới hoạt động được!

Câu chuyện thứ tư

Dạo này nhiều nhà đầu tư bất động sản chuyển dự án nhà ở thành bệnh viện. Xem như góp phần xã hội hóa y tế trong thời buổi đang thiếu giường bệnh trầm trọng! Tác giả cũng được mời tư vấn cải tạo hai block chung cư gần 1000 căn hộ thành bệnh viện. Sau khi nghiên cứu và đề xuất phương án, KTS đã thẳng thắn khẳng định dự án không thành hiện thực nếu không xây thêm một khối nhà mới để dành riêng cho khối kỹ thuật nghiệp vụ, bởi những gì đang có chỉ thỏa mãn cho khu nội trú hoặc phòng khám. Nhưng quả là rất khó khăn khi Chủ đầu tư đang hết tiền mà KTS bày vẽ quá! Thế là… “lên đường” khi không chiều theo ý của chủ đầu tư. Được biết sau đó có hai nhóm KTS nuớc ngoài cũng đã tiếp cận dự án và... có cùng kết quả. Tới giờ, dự án vẫn nằm đó!

Câu chuyện thứ năm

Cách đây không lâu, người viết có tham gia buổi Hội thảo tại Sở Y tế TP.HCM với một công ty thiết kế được xem là nổi tiếng của Mỹ về bệnh viện. Trong phần thảo luận, trao đổi, tôi đã hỏi người bạn đồng nghiệp nữ KTS người Mỹ: kinh nghiệm của bạn ra sao khi thiết kế dự phòng phát triển cho một dự án bệnh viện vì tại Việt Nam, các chủ đầu tư luôn không đủ kinh phí làm một lúc mà thường phân kỳ đầu tư ra nhiều giai đoạn? Cô ta rất tự tin và trả lời ngay câu đầu tiên “Easy!”. Thế nhưng khi cô trình bày lấy phòng họp làm phòng X quang hay phòng kho làm tiểu phẫu… thì tôi và những đồng nghiệp ngồi nhìn nhau… cười như mếu!


          
          Thiết kế bệnh viện Ung Bướu Tp Cần Thơ

Thay cho lời kết

Sẽ còn biết bao câu chuyện xoay quanh thiết kế bệnh viện dở khóc dở cười khi chúng ta đang hối hả chạy đua với thời gian để đạt 25 giường bệnh trên một vạn dân, để xóa đi ký ức 2-3 bệnh nhân nằm chung giường! Khi mà Luật Kiến trúc chưa có, khi mà văn bản hướng dẫn thiết kế bệnh viện gói gọn trong TCXD 365:2007 còn nhiều thiếu sót, khi mà đào tạo chưa có “chuyên khoa sâu” Kiến trúc sư về thiết kế bệnh viện. Rồi đây lại tiếp tục mọc lên nhiều bệnh viện thiết kế không hợp lý. Rồi thế hệ con cháu chúng ta phải cải tạo, sửa chữa! Nhiều cuộc thi thiết kế bệnh viện mang tính hình thức để chọn nhà thiết kế “thân quen”. Nhiều cán bộ xét duyệt thẩm tra dự án không có năng lực chuyên sâu về thiết kế bệnh viện, có những yêu cầu chỉnh sửa bất hợp lý. Nhiều chủ đầu tư áp đặt KTS trong “hoàn cảnh” cực chẳng đã; Nhiều chủ đầu tư “vọng ngoại” mời KTS nước ngoài mà họ quên rằng đã phải trả giá quá đắt cho phí thiết kế và cả cho hậu quả không am hiểu văn hóa hay không thực sự chuyên sâu về thiết kế bệnh viện…

Hãy đừng để con cháu chúng ta lại tiếp tục bàn tán những câu chuyện mà chúng ta đang bàn đến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét