Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Họa sĩ, kiến trúc sư Hoài Hương: "Tôi là một gã tiều phu về rừng"

Sinh 1956 ở phía Bắc, lấy vợ Huế, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật năm 1976, học thêm kiến trúc, đang sống, làm việc ở TP Hồ Chí Minh với một ngôi nhà mang phong cách đồng bằng Bắc Bộ, nơi các đoàn làm phim, chụp ảnh hay lui tới, nay họa sĩ, kiến trúc sư Hoài Hương lại vừa có thêm một công trình rất độc đáo bên bờ vịnh Hạ Long. Đó là khu nghỉ dưỡng trong khuôn viên khu du lịch Tuần Châu, một không gian Việt rất điển hình. Thấp thoáng trong rừng thông là những ngôi nhà một tầng xây bằng gạch không trát vữa, lợp ngói đỏ và hai bên đầu hồi có đấu thiên mang dấu ấn của vùng Kinh Bắc là những chữ Thọ đắp nổi. Một cây cầu từa tựa như cầu ngói Thanh Toàn ở Huế nối liền hai sườn núi và những ngọn đèn tỏa sáng về đêm trong bình gốm da lươn... "Khi nhận lời thiết kế khu nghỉ dưỡng này, tôi đã suy nghĩ tìm kiếm rất nhiều để công trình có một nét độc đáo gì đó về kiến trúc. Nhưng cuối cùng thì chẳng phải tìm đâu xa cả, chỉ cần lấy ngay trong mô hình làng xã của đồng bằng Bắc Bộ. Đó là những ngôi nhà có hàng hiên, cánh phong, là những con đường lát gạch bổ cau, tường rào không có vữa trát, những hình ảnh này đã đi vào tranh ảnh. Ở đây các bạn có thể hỏi, tại sao đến khu nghỉ dưỡng lại phải đi bộ nhiều thế ? Xin thưa, đi bộ nhưng các bạn sẽ phải trả tiền vì đường đi sẽ rất thú vị, 1,5 km đường mà có tới 11 chòi dừng chân với chõng tre, quạt nan. 11 cô thôn nữ áo nâu yếm đào sẽ bán cho khách kẹo bột, kẹo lạc, nước vối, chè xanh như trong những cái quán nước đầu làng. Buổi sáng, có 4 ông già quẩy lồng chim treo bên lối đi. Sáng sớm và chiều tối, tiếng chuông sẽ ngân vang dù ở đây không có chùa". Một góc khu du lịch Tuần Châu (ảnh: L.Q.P) Máu sáng tạo và tinh thần Việt có lẽ đã chảy thành dòng trong người họa sĩ tóc buộc đuôi gà này. Hoài Hương đã thuyết phục ông chủ khu du lịch Tuần Châu cho thiết kế một số những phòng tắm hết sức kỳ lạ: bồn tắm thấp và lộ thiên, người tắm có cảm giác mình đang tắm ở đầu hè một ngôi nhà trong khu làng Bắc Bộ khi bên cạnh là bụi chuối, dậu bìm hay hàng rào dựng bằng lu vại Bát Tràng phế phẩm, ngẩng nhìn thấy hiên nhà cùng vô số trăng sao. Không gian Việt còn lan tỏa trong những căn phòng độc đáo: giường ngủ được thiết kế như một cái chõng tre, bàn phấn như án thư, còn chiếc tủ đựng ti vi thì không khác gì một cái chạn bát... "Không khó khăn gì để xây dựng một hotel, tôi muốn con người về với thiên nhiên, người ta có khi phải thở hổn hển khi vào căn nhà của mình, chứ không phải là bấm tuýt một cái là vào thang máy, tuýt cái nữa, bật máy lạnh. Tiện nghi, công năng đã làm con người ta khô cứng". "Tôi đã phải giải thích rất nhiều với ông Tuyển (ông chủ khu du lịch Tuần Châu) để có được sự hoang dã này. Ông ấy thích sang trọng và tôi đã phải nói rằng nếu được ăn một con tôm nướng, đặt trên một mảnh lá chuối, trong một căn nhà đầy chất văn hóa như thế này thì đó chính là một sự sang trọng đấy, cuối cùng thì ông ấy còn tâm đắc hơn cả tôi nữa". "Tôi không phải là người hoài cổ lắm và cũng từng thiết kế những khu rất mô - đen, nhưng bạn cũng biết rằng văn hóa phương Đông là một cái gì đó rất huyền bí, trong đó văn hóa của người Việt cũng vậy. Hướng về cội nguồn là xu hướng chung chứ không riêng gì tôi, đây không phải là theo mốt mà chính là mong muốn hướng về thiên nhiên như tôi nói lúc trước. Tôi đã làm một số cửa hàng ở khu Đồng Khởi (TP.HCM) theo xu hướng này và bây giờ là Tuần Châu! Nhiều người có vẻ thích tôi, nhưng suy cho cùng mình cũng chỉ như một gã tiều phu trong khu rừng của thiên nhiên và của văn hóa dân tộc". 
Lưu Quang Phổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét